Hội thảo khoa học đánh giá mô hình xử lý rơm rạ sau thu hoạch bằng chế phẩm sinh học Fitobiomix –RR vụ mùa năm 2013 tại xã Đông Hoàng – Huyện Đông Hưng.
Ngày: 04/08/2022
Sáng ngày 24/9/2013, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thái Bình phối hợp với Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp xã Đông Hoàng tổ chức Hội thảo khoa học đánh giá mô hình xử lý rơm rạ sau thu hoạch bằng chế phẩm sinh học Fitobiomix–RR vụ mùa năm 2013 tại thôn Tống Khê, xã Đông Hoàng, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình.

Dự và chỉ đạo Hội nghị có TS. Trần Duy Khanh – Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thái Bình; Đ/c Nguyễn Thị Nga – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Lãnh đạo Trung tâm KCT; Lãnh đạo Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học, Công ty Cổ phần Giống Cây trồng Thái Bình; Lãnh đạo Đảng ủy, UBND xã và Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp, trưởng các thôn xã Đông Hoàng cùng toàn thể các hộ dân tham gia triển khai mô hình; phóng viên báo, đài trên địa bàn tỉnh.

Đoàn công tác thăm quan mô hình sử dụng Fito-Biomix RR kết hợp với cày vận rạ

Tại hội nghị, các đại biểu và bà con nông dân đã được tham quan mô hình xử lý rơm rạ sau thu hoạch bằng chế phẩm sinh học Fitobiomix. Mô hình được triển khai từ tháng 4 năm 2013, tại thôn Thái Hòa I, II, và thôn Tống Khê xã Đông Hoàng với quy mô 10 ha, áp dụng quy trình cày vận rạ. Kết quả, qua kiểm tra, theo dõi, những ruộng mô hình có sử dụng chế phẩm Fito-Biomix–RR cho thấy: Sau xử lý 7-10 ngày, rơm rạ mềm như bón phân hữu cơ; Khi trời nắng nóng không có hiện tượng xốc chua, rơm, rạ nổi lên ảnh hưởng đến quá trình cấy và chăm sóc lúa; Cây lúa phát triển tốt, lá to, bản rộng, lá có màu xanh đậm, cứng, tỷ lệ bạc lá thấp; chiều cao cây lúa phát triển vượt trội; độ chống chịu sâu bệnh tốt, có tiềm năng cho năng suất và sản lượng cao (2,6 tạ/sào)…

Tham gia mô hình, các hộ dân được tập huấn đầy đủ về quy trình xử lý rơm rạ bằng chế phẩm Fito- Biomix–RR, kỹ thuật khử H2S, cày vận rạ và gieo mạ trên nền đất cứng…; kỹ thuật bón lót, bón thúc bằng phân NPK Văn Điển…được hỗ trợ trực tiếp một phần vật tư như: Chế phẩm Fito-biomix, chất khử H2S, NPK …

Mô hình sử dụng Fito-Biomix RR kết hợp với cày vận rạ

Ngoài các mô hình tại xã Đông Hoàng, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thái Bình đã triển khai 12 mô hình cày vận rạ (320 m2/mô hình) và 03 mô hình ủ đống rơm (3 tấn rơm, rạ/mô hình) tại xã Đông Hà, huyện Đông Hưng .

Trong thời gian tới, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật sẽ kiến nghị với UBND tỉnh Thái Bình thực hiện xây dựng cánh đồng mẫu về mô hình xử lý rơm rạ sau thu hoạch sử dụng chế phẩm sinh học Fitobiomix –RR ở các vùng sinh thái khác nhau trên địa bàn tỉnh, góp phần bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu và xây dựng nông thôn mới; đề xuất với UBND huyện về cơ chế hỗ trợ người dân để mở rộng mô hình nhằm nâng cao độ phì của đất, góp phần tăng năng suất, sản lượng cây trồng…

BBT