Khơi dậy sức sáng tạo khoa học kỹ thuật từ các hội thi
Ngày: 04/08/2022
Hội thi sáng tạo khoa học, công nghệ và kỹ thuật tỉnh và cuộc thi sáng tạo khoa học, kỹ thuật thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh phối hợp với các đơn vị tổ chức hai năm một lần nhằm tạo sân chơi trí tuệ cho các tầng lớp nhân dân, thu hút các giải pháp, sáng kiến hay, độc đáo ở nhiều lĩnh vực, từ đó ứng dụng vào thực tế đời sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Các mô hình, sản phẩm tham gia cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh lần thứ V năm 2020 - 2021. Ảnh tư liệu

Để hiểu hơn về những hoạt động đã triển khai và nét mới của hội thi, cuộc thi lần này, phóng viên Báo Thái Bình có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Dư, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh.

Phóng viên: Thưa ông, đến nay Ban tổ chức hội thi sáng tạo khoa học, công nghệ và kỹ thuật tỉnh lần thứ IX và Ban tổ chức cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh lần thứ V năm 2020 - 2021 đã tiếp nhận được bao nhiêu đề tài, giải pháp, mô hình, sản phẩm tham gia dự thi? Ông có những đánh giá như thế nào về số lượng, chất lượng giải pháp, mô hình, sản phẩm dự thi lần này?

Ông Nguyễn Ngọc Dư: Kết thúc thời gian nhận hồ sơ dự thi (31/5/2021), Ban tổ chức hội thi đã nhận được 285 hồ sơ giải pháp, Ban tổ chức cuộc thi nhận được 198 sản phẩm tham gia dự thi. So với các kỳ trước, năm nay số lượng giải pháp, mô hình tham gia dự thi nhiều hơn. Các lĩnh vực đều có nhiều giải pháp tham gia dự thi. Đơn vị dự thi được mở rộng trên địa bàn toàn tỉnh, có nhiều đơn vị, tác giả gửi tham gia nhiều giải pháp. Cụ thể, về hội thi, có thể kể một số đơn vị tiêu biểu có số lượng đề tài, giải pháp tham gia đông như: ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Tiền Hải (76 giải pháp); Bệnh viện Đa khoa tỉnh (20 giải pháp), ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Quỳnh Phụ (19 giải pháp), Trường Cao đẳng Sư phạm Thái Bình (18 giải pháp). Về cuộc thi, ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố Thái Bình (40 sản phẩm), ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Thái Thụy (29 sản phẩm), ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Kiến Xương (29 sản phẩm)... Một số trường có nhiều sản phẩm dự thi là: THCS Nguyễn Đức Cảnh (Thái Thụy) 17 sản phẩm; THPT Đông Thụy Anh 5 sản phẩm; Tiểu học và THCS Quỳnh Hoa (Quỳnh Phụ) 4 sản phẩm; Tiểu học Kỳ Bá (thành phố Thái Bình) 4 sản phẩm; THCS An Khê (Quỳnh Phụ) 3 sản phẩm...

Đa số các giải pháp bảo đảm chất lượng và đủ tiêu chí vào vòng chấm chung khảo, nhiều giải pháp chất lượng tốt, mô hình đẹp, sáng tạo. Hội đồng sơ khảo đã chấm, phân loại, lựa chọn 200 giải pháp hội thi và 170 sản phẩm cuộc thi đủ điều điều kiện vào vòng chấm chung khảo.

Phóng viên: Cùng với việc tiếp nhận các đề tài, giải pháp, mô hình, sản phẩm, đến thời điểm này, Ban tổ chức hội thi, cuộc thi đã triển khai được những hoạt động gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Ngọc Dư: Để nâng cao số lượng, chất lượng các công trình, mô hình, sản phẩm dự thi, bên cạnh việc tổ chức tiếp nhận các đề tài, giải pháp, Thường trực Ban tổ chức hội thi, cuộc thi đã triển khai nhiều hoạt động như: tổ chức tư vấn, hướng dẫn các tác giả hoàn thiện hồ sơ tham gia dự thi trên cơ sở danh sách đăng ký dự thi của các đơn vị; phối hợp với phòng giáo dục và đào tạo các huyện, thành phố thành lập tổ tư vấn, tổ thu nhận hồ sơ, qua đó trực tiếp giải đáp vướng mắc cho tác giả tham gia dự thi, tạo nên điểm sáng cho công tác tuyên truyền về hội thi, cuộc thi trên địa bàn toàn tỉnh. Đây là việc làm hết sức có ý nghĩa trong việc tháo gỡ khó khăn, trở ngại bước đầu trong khâu tiếp cận hội thi, cuộc thi của các cá nhân, đơn vị có nhu cầu, nguyện vọng tham gia dự thi; đồng thời góp phần nâng cao số lượng, chất lượng các công trình, đề tài, biến những ý tưởng, giải pháp thành các sản phẩm dự thi đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về hội thi, cuộc thi trên tất cả những lĩnh vực mà thể lệ quy định. Cùng với đó, phối hợp với các đơn vị đồng tổ chức cử cán bộ theo dõi, đôn đốc và hướng dẫn tác giả tham gia dự thi, tổ chức các buổi tuyên truyền thể lệ, hướng dẫn cách viết mô hình, giải pháp tham dự tại các điểm trường THPT, THCS trên địa bàn; vận động chính những tác giả có giải pháp dự thi trở thành những tuyên truyền viên về hội thi, cuộc thi tại nơi mình học tập và sinh sống, tạo ra phong trào thi đua sáng tạo sâu rộng trên địa bàn tỉnh; đăng tải thông tin, thể lệ cuộc thi trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên bản tin phổ biến kiến thức và website chính thức của Liên hiệp Hội, trang vustathaibinh.org.vn.

Phóng viên: So với những lần tổ chức trước, hội thi, cuộc thi lần này có những điểm mới gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Ngọc Dư: Hội thi sáng tạo khoa học, công nghệ và kỹ thuật tỉnh lần thứ IX và cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh lần thứ V, năm 2020 - 2021 có một số điểm mới trong công tác tuyên truyền, chấm điểm. Cụ thể, trong công tác tuyên truyền, thay vì bị động chờ đợi các đơn vị nộp giải pháp dự thi, cơ quan thường trực hội thi, cuộc thi đã chủ động liên hệ, tháo gỡ thắc mắc, tư vấn, hỗ trợ các tác giả hoàn thiện hồ sơ, giải pháp tham gia dự thi; đồng thời thường xuyên chủ động liên hệ, cập nhật theo ngày về số lượng sản phẩm nộp dự thi đối với từng phòng giáo dục và đào tạo huyện, thành phố để ghi nhận số lượng hồ sơ dự thi, từ đó có sự đôn đốc kịp thời đối với các đơn vị dự thi. Điểm mới trong chấm điểm, đối với đơn vị có giải pháp tham gia dự thi Ban tổ chức vẫn đề xuất mời giám khảo thuộc đơn vị đó tham gia hội đồng giám khảo nhưng không chấm giải pháp dự thi của tác giả thuộc đơn vị mình công tác. Nếu 2 giải pháp có tổng điểm chấm bằng nhau sẽ ưu tiên xét trao giải cho giải pháp có điểm sáng tạo cao hơn. Để đánh giá đầy đủ về giải pháp dự thi so với các năm, năm nay phiếu chấm điểm sẽ bổ sung thêm phần nhận xét của giám khảo. Khi đưa vào chấm điểm, nếu điểm chấm của 1 giải pháp dự thi giữa 2 giám khảo chênh nhau từ 10 điểm trở lên thì 2 giám khảo cần thống nhất lại về điểm chấm. Trong trường hợp giữa 2 giám khảo không thống nhất được sẽ báo cáo lên Chủ tịch hội đồng giám khảo để tìm phương án giải quyết hợp lý.

Cơ cấu giải giữa các lĩnh vực dự thi không nhất thiết đúng theo thể lệ mà sẽ có sự thay đổi điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn điểm chấm của các công trình, sản phẩm dự thi trên cơ sở ý kiến thống nhất của hội đồng giám khảo và ban tổ chức hội thi, cuộc thi.

Phóng viên: Thời gian tới, Ban tổ chức hội thi, cuộc thi sẽ tập trung triển khai những hoạt động gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Ngọc Dư: Thời gian tới sẽ thành lập hội đồng giám khảo, mời những người có phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn, kinh nghiệm quản lý, kinh nghiệm nghiên cứu khoa học tham gia chấm, đánh giá các công trình, sản phẩm tham gia dự thi. Làm tốt công tác xét, trao giải, khen thưởng đối với các sản phẩm đoạt giải và các đơn vị, cá nhân có thành tích trong tuyên truyền hội thi, cuộc thi. Huy động sự phối hợp của các cơ quan đồng tổ chức để tổ chức lễ tổng kết, trao giải. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhân rộng và nêu gương đối với các giải pháp, tác giả có đề tài hiệu quả. Lựa chọn, hướng dẫn các hồ sơ dự kiến đạt giải cao để tham gia hội thi, cuộc thi cấp trung ương.

baothaibinh.com.vn