Liên hiệp Hội tổ chức Hội thảo “Liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị trong chăn nuôi an toàn vệ sinh thực phẩm”
Ngày: 04/08/2022
Chiều ngày 27/10/2017, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thái Bình đã tổ chức Hội thảo “Liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị trong chăn nuôi an toàn vệ sinh thực phẩm”. Ông Bùi Quang Hộ – Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội chủ trì Hội thảo.

Hiện nay, ngành chăn nuôi của tỉnh ngày càng phát triển, xuất hiện nhiều trang trại, gia trại, doanh nghiệp chăn nuôi có quy mô lớn. Tuy nhiên, khâu tiêu thụ trung gian là vấn đề chính cản trở chăn nuôi đạt được hiệu quả kinh tế cao. Để từng bước khắc phục tình trạng trên thì hình thức liên kết chuỗi sản xuất chăn nuôi là một trong những giải pháp mang lại hiệu quả. Trong đó, tiêu biểu là các hình thức liên kết với doanh nghiệp thực hiện chăn nuôi gia công, hình thức liên kết giữa các trang trại chăn nuôi và thị trường tiêu thụ gồm siêu thị, nhà hàng, chợ và các bếp ăn tập thể, hình thức chăn nuôi 4 nhà gồm: cơ quan quản lý nhà nước – ngân hàng – doanh nghiệp sản xuất thức ăn, người chăn nuôi và doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm…

Mô hình chăn nuôi lợn theo quy mô trang trại tại huyện Tiền Hải, Thái Bình

Tại Hội thảo, nhiều khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện liên kết đã được chia sẻ, thảo luận. Bà Nguyễn Thị Bến – Chi cục Chăn nuôi thú ý tỉnh cho biết, các chuỗi liên kết đang thực hiện tại Thái Bình hiện nay mặc dù đem lại hiệu quả nhưng cũng tồn tại nhiều khó khăn như: Việc sản xuất theo quy trình thực hành chăn nuôi tốt chưa tạo thành vùng nguyên liệu có thương hiệu; liên kết sản xuất chăn nuôi lỏng lẻo, hiệu quả chưa cao, việc điều hành hoạt động của THT, HTX và thực hiện theo hợp đồng liên kết với các doanh nghiệp trong tiêu thụ sản phẩm đầu ra còn nhiều khó khăn, hợp đồng trong sản xuất chưa nhiều, hiệu quả chưa cao; chưa có nhiều sự tham gia tích cực của doanh nghiệp trong chế biến giết mổ, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi.

Là thành viên của HTX, ông Phạm Văn Hồng, xã Vũ Lạc, thành phố Thái Bình, chủ trang trại nuôi gà và lợn cho biết: Cũng như nhiều hộ chăn nuôi khác, việc liên kết sản xuất theo chuỗi của gia đình ông gặp rất nhiều khó khăn. Các sản phẩm chăn nuôi an toàn, có nguồn gốc xuất xứ vẫn bị cạnh tranh thiếu lành mạnh về giá bán bởi các sản phẩm không bảo đảm chất lượng, không rõ nguồn gốc. Do vậy, sản lượng tiêu thụ còn thấp, hiệu quả kinh tế chưa tương xứng với chi phí đầu tư sản xuất ban đầu theo hướng an toàn, tiêu chuẩn.

Bàn về giải pháp phát triển chăn nuôi theo hướng liên kết chuỗi giá trị ông  Chu Đức Uy- Công ty CP Giống Chăn nuôi Thái Bình nhấn  mạnh: Trong tổ chức sản xuất chăn nuôi, tỉnh cần tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, tuyên truyền vận động các trang trại thực hiện chăn nuôi khép kín, áp dụng khoa học công nghệ hiện đại theo tiêu chuẩn Vietgap nhằm tạo khối lượng sản phẩm chăn nuôi hàng hóa, chất lượng cao, có đủ sức cạnh tranh với thị trường; tạo cơ chế hỗ trợ để các trang trại liên kết trong sản xuất; chú trọng việc quản lý thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm tiến tới xây dựng các thương hiệu thực phẩm sạch của tỉnh. Đồng thời, tỉnh cũng cần có chính sách đặc thù để kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư xây dựng vùng chăn nuôi tập trung, đặc biệt là cơ sở giết mổ, chế biến sản phẩm chăn nuôi tiến tới hình thành liên kết chuỗi giữa doanh nghiệp với người chăn nuôi.

 

Ngoài ra, Hội thảo còn thảo luận các vấn đề liên quan đến việc phát triển giống vật nuôi chủ lực, vấn đề con giống và sử dụng cám men vi sinh Lebio trong chăn nuôi nhằm nâng cao sức đề kháng cho vật nuôi, tăng chất lượng thịt, hướng tới một nền sản xuất an toàn và bền vững, vì sức khỏe người tiêu dùng.

Nguyễn Anh - Trưởng Ban Thông tin LHH