Thái Bình: Liên hiệp Hội phản biện Đề án phát triển đàn trâu, bò thịt thương phẩm theo chuỗi liên kết trên địa bàn tỉnh.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình, sáng ngày 01/7/2019, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh đã tổ chức Hội thảo tư vấn phản biện Đề án “Đề án phát triển đàn trâu bò thịt thương phẩm theo chuỗi liên kết trên địa bàn tỉnh Thái Bình giai đoạn đến năm 2025 và những năm tiếp theo”.
Tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh, lãnh đạo một số sở, ngành, các nhà khoa học, chuyên gia tư vấn, phản biện: PGS.TS. Nguyễn Văn Đức – Trưởng Ban Khoa học công nghệ, Hội Chăn nuôi Việt Nam; TS. Tăng Xuân Lưu – GĐ Trung tâm Nghiên cứu bò và đồng cỏ Ba Vì, TS. Trần Duy Khanh – Viện trưởng Viện đào tạo Doanh nhân APEC; TS. Lê Bá Quế - GĐ Trung tâm Gia súc lớn Trung ương; TS. Lê Văn Thông – Tổng Thư ký Hiệp hội Gia súc lớn trung ương; TS. Bùi Quang Hộ, Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Thái Bình; Ths. Lê Hồng Sơn – Chủ tịch Liên hiệp Hội làm chủ tịch Hội đồng phản biện Đề án.
Theo nhận xét của Hội đồng phản biện: Báo cáo tổng hợp Đề án có mục tiêu, nội dung phù hợp với định hướng, yêu cầu. Các chương, mục đầy đủ, hình thức trình bày tương đối rõ ràng; nhóm nghiên cứu đã thu thập khá chi tiết số liệu về thực trạng chăn nuôi gia súc trên địa bàn tỉnh…Tuy nhiên, các chuyên gia tư vấn đã chỉ ra rằng bản Đề án còn nhiều tồn tại, hạn chế như: chưa đánh giá được toàn cảnh bức tranh cụ thể của ngành chăn nuôi trâu bò ở Việt Nam cũng như ở Thái Bình trong những năm qua, đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng; quá trình khảo sát, thống kê còn sai sót; chưa nêu bật được tính cấp thiết của việc thực hiện Đề án tại Thái Bình; mục tiêu của Đề án khó đạt được trong giai đoạn 2020 đến năm 2025 vì chưa khuyến khích được doanh nghiệp cùng tham gia triển khai, thực hiện. Đặc biệt, cần xác định công tác về giống là nhiệm vụ trọng tâm, then chốt để tạo nên thành công của Đề án. Muốn chuyển đổi cơ cấu vật nuôi theo hướng đã xây dựng, Thái Bình cũng cần tạo quỹ đất phục vụ nuôi thả trâu, bò trên cơ sở tận thu những vùng trồng lúa kém hiệu quả; tạo cơ chế để người chăn nuôi tự chủ và có nguồn quỹ hỗ trợ rủi ro cho người dân trong quá trình chăn nuôi. Các giải pháp được đưa ra trong Đề án cần cụ thể, có sự phân cấp rõ ràng, đảm bảo được lợi ích của người dân và sự quản lý của nhà nước, tránh tình trạng chồng chéo giữa các ban, ngành trong quá trình thực hiện. Đặc biệt, Đề án cần đi sâu đánh giá được 4 vấn đề cụ thể sau: (1) Thực trạng gia tăng quy mô và cơ cấu đàn trâu bò của tỉnh; (2) Thực trạng chất lượng đàn trâu bò của tỉnh; (3) Thực trạng kinh doanh của người chăn nuôi trâu bò; (4) Thực trạng huy động và sử dụng nguồn lực cho chăn nuôi trâu bò (việc đánh giá thực trạng nên có bảng số liệu và minh họa bằng đồ thị). Quan trọng nhất là, Đề án cần xác định chuỗi liên kết trong chăn nuôi bò thịt ở Thái Bình là mô hình chuỗi liên kết sản xuất hàng hóa, là mô hình liên kết kinh tế - kỹ thuật, không phải là mô hình "xóa đói, giảm nghèo", nên chuỗi liên kết gồm: Doanh nghiệp - HTX chuyên ngành - Hộ nông dân - Doanh nghiệp...
Trên cơ sở các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các ngành, Hội đồng phản biện yêu cầu đơn vị chủ trì Đề án – sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần rà soát, chỉnh sửa, bổ sung bố cục và hoàn thiện nội dung Đề án nhằm đảm bảo tính khoa học, phù hợp với điều kiện thực tiễn tại Thái Bình trong việc phát triển đàn vật nuôi của tỉnh theo hướng tập trung trước khi trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt.
Ban Thông tin - LHH