Thái Bình: Liên hiệp Hội tư vấn, phản biện Đề án Phát triển Du lịch thành phố Thái Bình
Ngày: 21/06/2023
Thực hiện nhiệm vụ tư vấn, phản biện, giám định xã hội do UBND tỉnh giao, chiều ngày 21/6/2023, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thái Bình đã tổ chức Hội thảo tư vấn, phản biện Đề án Phát triển Du lịch thành phố Thái Bình giai đoạn 2023 - 2030. Tham dự Hội thảo có hơn 20 chuyên gia, đại biểu đại diện cho các sở, ngành trong và ngoài tỉnh. TS. Nguyễn Ngọc Dư, Trưởng Ban Văn hóa xã hội, HĐND tỉnh, Chủ tịch Liên hiệp Hội chủ trì hội thảo.

Đ/c Nguyễn Ngọc Dư - Trưởng Ban Văn hóa xã hội, HĐND tỉnh, Chủ tịch Liên hiệp Hội chủ trì hội thảo

 

Dự thảo Đề án do UBND thành phố Thái Bình xây dựng có bố cục rõ ràng, ngắn gọn, mạch lạc, có tính khoa học và khả thi cao trên cơ sở các văn bản của Trung ương, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh của Thành ủy và nghiên cứu thực trạng về phát triển du lịch của Thành phố cũng như các yếu tố tác động đến hoạt động du lịch.

 

 

Các đại biểu tư vấn, phản biện, đóng góp ý kiến tại Hội thảo

 

Phát biểu tại Hội nghị, các chuyên gia có nhiều ý kiến tư vấn khách quan cho đơn vị soạn thảo. Các đại biểu cho rằng, Đề án đã đánh giá được thực trạng thực trạng du lịch của thành phố Thái Bình trên 5 mặt: Tài nguyên du lịch văn hóa; Khách du lịch; Hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch; Hệ thống cơ sở hạ tầng vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch và nguồn nhân lực du lịch. Đề án cũng đã đưa ra được các giải pháp tương đối đầy đủ gồm 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cơ bản để phát triển du lịch của Thái Bình, đồng thời cũng đưa ra một số nhiệm vụ cụ thể để thực hiện và chỉ ra một số khó khăn trong phát triển du lịch của thành phố.

Tuy nhiên, thành viên Hội đồng phản biện cũng đề nghị cơ quan soạn thảo  cần phải xem xét lại phần mục tiêu vì Dự thảo Đề án chưa lý giải được một cách thỏa đáng đâu là thế mạnh, đâu là hạn chế về tiềm năng, tiềm lực phát triển du lịch của thành phố Thái Bình; Các số liệu đánh giá, minh chứng trong đề án cũng chưa phản ánh đầy đủ về thực trạng phát triển du lịch và đóng góp của ngành du lịch trong GRDP của thành phố; Phần sự cần thiết phải xây dựng (ban hành) đề án còn sơ sài, chưa nhấn mạnh được sự nghiệp phát triển du lịch vừa là một đòi hỏi mang tính bức thiết trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.  Đặc biệt, trong phần thực trạng, cần thiết phân tích rõ hơn vị trí, đặc điểm, khả năng khai thác phát triển du lịch văn hóa tâm linh, số khách về thăm quan, chiêm bái hàng năm của các điểm di tích lịch sử, văn hóa nổi bật. Nên bổ sung thêm: Bảo tàng tỉnh, Thư viện, Đền thờ Liệt sĩ tỉnh vì đây là những nơi thu hút khá nhiều du khách trong và ngoài tỉnh đến thăm quan, học tập, tri ân công lao của các anh hùng liệt sĩ của tỉnh; cần bổ sung phụ lục về hệ thống di tích và bản thuyết minh ngắn gọn về giá trị của từng di tích; phụ lục về lễ hội truyền thống, trong đó xác định được những lễ hội có các yếu tố đích thực là tài nguyên du lịch văn hóa cần được đầu tư, bảo lưu và phát huy. Ví dụ: hội xuân làng Tống Vũ (xã Vũ Chính) với tục thi kéo lửa nấu cơm cần độc đáo hoặc hội chùa Trừng Mại (xã Tân Bình) có sức cuốn hút giới Phật tử từ nhiều vùng miền đổ về… Nên phân loại thành cụm loại hình di tích. Ví dụ: di tích về các danh nhân Bùi Quang Dũng (xã Tân Bình), Nguyễn Bảo (xã Phú Xuân), Khiếu đình Tuân, Khiếu Hữu Sử (phường Tiền Phong)…Hoặc theo loại hình tín ngưỡng, tôn giáo như đền, đình, chùa, nhà thờ Thiên chúa giáo…; Bổ sung không gian, phạm vi phát triển du lịch.. Các đại biểu cũng đề nghị cơ quan soạn thảo cần làm rõ hơn phần Quan điểm, bổ sung thêm khó khăn trong phần thực trạng như: Chưa hình thành sự liên kết, phối hợp giữa các hộ dân du lịch đặc biệt là du lịch cộng đồng; Lượng khách du lịch không ổn định, thiếu tính bền vững; Chất lượng sản phẩm du lịch chưa cao….

Phát biểu kết luận Hội thảo, TS. Nguyễn Ngọc Dư, Chủ tịch Hội đồng TVPB đánh giá cao tinh thần làm việc khách quan, ghi nhận các ý kiến phản biện sâu sắc của các chuyên gia và đại biểu tham dự Hội thảo. Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh sẽ tổng hợp các ý kiến đóng góp gửi cơ quan soạn thảo chỉnh sửa, bổ sung và hoàn thiện Đề án trước khi trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt./.