Thái Bình: Trí thức góp ý tạo dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh
Trên tinh thần chủ động đề xuất các giải pháp, các nhiệm vụ khoa học công nghệ nhằm phát huy tối đa sự tham gia của trí thức KH&CN vào phát triển kinh tế xã hội, sáng ngày 23/12/2022, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh đã phối hợp với Tỉnh đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Doanh nhân trẻ tổ chức Hội thảo: “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Thái Bình, thực trạng và giải pháp”. Tham dự Hội thảo có đại diện các sở, ban, ngành, hội, đoàn thể, đại diện các trường đại học, cao đẳng; đại diện doanh nghiệp, các tổ chức khoa học công nghệ và phóng viên báo, đài trên địa bàn tỉnh. TS Nguyễn Ngọc Dư, Chủ tịch Liên hiệp Hội chủ trì Hội thảo.
Toàn cảnh Hội nghị
Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 cùng với số hóa nền kinh tế là cơ hội lớn để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Nhận thức sâu sắc điều này, những năm qua, tỉnh Thái Bình đã có nhiều chính sách động viên, khuyến khích hoạt động khởi nghiệp. Toàn tỉnh hiện có gần 400 mô hình thanh niên phát triển kinh tế, 172 CLB, tổ hợp tác thanh niên phát triển kinh tế các cấp, nhiều câu lạc bộ khởi nghiệp được thành lập trong các trường đại học, cao đẳng, việc hiện thực hóa các ý tưởng kinh doanh ngày càng nhận được nhiều sự hỗ trợ, thu hút sự quan tâm của nhiều lực lượng trong xã hội.
Đ/c Nguyễn Ngọc Dư - Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh chủ trì Hội thảo
Đóng góp ý kiến tại Hội thảo, các đại biểu cho rằng, hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh Thái Bình hiện đang có nhiều thuận lợi: UBND tỉnh đã ban hành Quy định về cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp gia nhập thị trường trên địa bàn, môi trường kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ số ngày càng đa dạng với sự nở rộ của các, xu hướng đầu tư vẫn tập trung vào các start up thương mại điện tử, công nghệ tài chính và truyền thông, những lĩnh vực mang tính sáng tạo, giá trị thặng dư cao, có khả năng tăng trường đột phá nếu thành công; có nhiều ý tưởng start up của nước ngoài để start up tham khảo, học hỏi… Tuy vậy, vẫn còn đó nhiều thách thức như: Trào lưu bên start up nước ngoài về rồi cắt gọt đi cho phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của địa phương chưa mang lại hiệu quả như mong muốn, Các dự án vốn hạn hẹp trong khi khả năng vay vốn ngân hàng hoặc kêu gọi quỹ đầu tư thấp; thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao; cơ sở vật chất hạn hẹp, hạn chế trong việc phát triển ý tưởng sản phẩm; kỹ năng quản trị, điều hành kinh doanh, xúc tiến, quảng bá phát triển còn hạn chế; Ít các kinh nghiệm trong thực hiện các thủ tục hành chính liên quan… Chính điều này đã dẫn đến sự thất bại của rất nhiều mô hình khởi nghiệp hiện nay.
Các đại biểu tham dự phát biểu tham luận tại Hội thảo
Tại Hội thảo, các đại biểu cũng tập trung đề xuất nhiều giải pháp hữu ích nhằm tháo gỡ các khó khăn, hạn chế trong quá trình thực hiện khởi nghiệp của doanh nghiệp, từng bước hoàn thiện hệ thống pháp lý hỗ trợ khởi nghiệp và nâng cao năng lực các chủ thể của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh. Với nhiều điểm hạn chế hiện tại, các chuyên gia cho rằng, Thái Bình nếu muốn xây dựng khởi nghiệp thành công thì phải xây dựng được một hệ sinh thái khởi nghiệp, phải kêu gọi được những nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia thị trường. Các chủ dự án starup cũng phải chuẩn bị kỹ lưỡng về kiến thức pháp lý và kinh nghiệm thương trường, biết thực sự ứng dụng thành tựu của khoa học công nghệ để tạo ra đột phá cho sự phát triển. Ngoài ra, tỉnh cũng cần đẩy mạnh việc hành chính số các thủ tục để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, tạo cơ chế hỗ trợ vốn cho các ý tưởng thực sự mang tính ứng dụng và hiệu quả cao…
Kết luận Hội thảo, TS. Nguyễn Ngọc Dư nhấn mạnh: Với tình hình phát triển kinh tế như hiện nay, Nhà nước đã có nhiều chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo ứng dụng thành tựu, giải pháp kỹ thuật, công nghệ, giải pháp quản lý để nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm, hàng hóa, đồng thời tạo điều kiện về vốn, cơ sở vật chất, giảm thiểu các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp khởi nghiệp. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bất cập, khó khăn khiến các doanh nghiệp chưa thể phát triển lớn mạnh như: nguồn vốn chưa thực sự dồi dào, nhân lực còn thiếu kém về trình độ, quá trình tích tụ ruộng đất còn khó khăn do người dân chưa thực sự thấu hiểu và tạo điều kiện để doanh nghiệp sản xuất, thị trường tiêu thụ còn hạn hẹp... Để vượt qua được những khó khăn này, với những chính sách nhà nước hỗ trợ, giúp đỡ thì hơn ai hết, các doanh nghiệp phải nhanh nhạy, tự vận động, tìm tòi, liên kết để có thể tìm ra những cánh cửa mới cho mình. Với vai trò là cơ quan tập hợp đội ngũ trí thức, Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật và các đơn vị tổ chức sẽ cố gắng phát huy vai trò quan trọng của trí thức khoa học công nghệ trong tham mưu và thực hiện các chính sách liên quan đến khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo; đồng thời tổng hợp ý kiến của các chuyên gia tại Hội thảo để báo cáo, tham mưu với tỉnh sớm ban hành cơ chế, chính sách tạo điều kiện để hệ sinh thái khởi nghiệp tại Thái Bình thực sự trở thành điểm đến của starup trong và ngoài nước.