Thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến nay Thái Bình đã phát triển được 112 sản phẩm OCOP, trong đó có 48 sản phẩm 4 sao, 64 sản phẩm 3 sao. Sau thời gian triển khai, với những cách làm linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả, chương trình OCOP đã thực sự thổi làn gió mới làm thay đổi tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp của các doanh nghiệp, HTX, người dân, góp phần đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới ở mỗi địa phương.
Sản phẩm gạo nếp thơm truyền thống Vũ Tây của HTX SXKD DVNN Vũ Tây, xã Tây Sơn (Kiến Xương) được đánh giá sản phẩm OCOP 3 sao.
Xã Tây Sơn (Kiến Xương) duy trì cấy lúa nếp truyền thống từ lâu đời, người dân tự để giống cấy từ năm này qua năm khác. Đây là loại lúa nếp có thời gian sinh trưởng ngắn, có hương thơm đặc biệt. Chính vì thế, có tương truyền rằng đây là loại nếp trước kia dùng để dâng lên vua nên còn gọi là nếp tiến vua. Để lúa được mùa, người dân phải bón phân đúng quy trình kỹ thuật để tránh cây bị đổ, đồng thời cũng không được cấy quá dày để hạn chế sâu bệnh.
Lợi thế của giống lúa này là cấy thưa, không mất nhiều công chăm sóc, chi phí phân bón ít và không mất tiền giống, thời gian sinh trưởng từ 135 - 140 ngày, rất ít khi bị mất mùa.
Ông Bùi Ngọc Tú, Phó Giám đốc HTX SXKD DVNN Vũ Tây, xã Tây Sơn cho biết: Lúa nếp Vũ Tây cho giá trị kinh tế cao hơn gấp 2 lần lúa tẻ, vì vậy, ngay sau khi được huyện chọn xây dựng sản phẩm OCOP, HTX chọn 2 thôn Hoa Nam và Đồng Tâm quy vùng gieo cấy khoảng 30ha, hỗ trợ giống cho xã viên, thực hiện đồng bộ các khâu từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm, xóa bỏ tình trạng “xôi đỗ” trên cánh đồng và huy động các đoàn thể, các thôn cùng vào cuộc thực hiện. Mô hình sử dụng phân hữu cơ, xây dựng thương hiệu sản phẩm gạo sạch, ngon, chất lượng đến người tiêu dùng đồng thời HTX thực hiện lắp đặt hệ thống máy móc phục vụ khâu sau thu hoạch. Vừa qua, qua đánh giá, chấm điểm của Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm chương trình OCOP cấp tỉnh, gạo nếp thơm truyền thống Vũ Tây đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP 3 sao. Đây là tín hiệu vui, mở ra hướng phát triển sản xuất quy mô hàng hóa cho địa phương. Được cấp mã số, mã vạch và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu là bước ngoặt để nâng tầm giá trị và là “giấy thông hành” để sản phẩm từng bước chiếm lĩnh thị trường.
Hộ kinh doanh Trần Văn Đức, xã Nguyên Xá (Đông Hưng) có 4 sản phẩm được đánh giá đạt sản phẩm OCOP 4 sao năm 2022.
Là một trong những điểm nhấn của mục tiêu xây dựng nông thôn mới, chương trình OCOP được tỉnh ta triển khai một cách đồng bộ, thực chất, hiệu quả. Năm 2022, chương trình thu hút sự tham gia của 24 chủ thể với 48 sản phẩm đăng ký. Từ các nông sản tươi đến nông sản đã qua sơ chế, chế biến; thực phẩm; đồ uống; dược phẩm; hàng thủ công mỹ nghệ... Sự đa dạng về chủng loại, lớn mạnh về số lượng sản phẩm tham gia đã chứng tỏ chương trình OCOP đang phát triển đúng hướng. Qua các vòng đánh giá, phân hạng, 48 sản phẩm đều đủ tiêu chuẩn công nhận sản phẩm OCOP, trong đó 16 sản phẩm đạt 4 sao, 32 sản phẩm đạt 3 sao.
Đánh giá về những “tân binh” trong sân chơi OCOP năm 2022, ông Đỗ Quý Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chánh văn phòng Điều phối chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM cho biết: Qua 2 năm đầu triển khai chương trình OCOP, có thể khẳng định, những sản phẩm có lợi thế đều đã tham gia và được công nhận. Càng về sau, để được gắn mác OCOP đòi hỏi các chủ thể phải có sự đầu tư nhiều hơn nữa. Chương trình OCOP năm 2022 không chỉ tăng về số lượng mà những sản phẩm này được chủ thể đầu tư kỹ càng hơn, hàm lượng chế biến sâu hơn, chuẩn hóa về quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm, xuất xứ nguyên liệu, bao bì mẫu mã, tính đặc trưng vùng miền, gắn vào đó là những câu chuyện sản phẩm như một thông điệp người làm ra sản phẩm muốn gửi gắm đến người tiêu dùng.
Thái Bình có nhiều tiềm năng, lợi thế thực hiện chương trình OCOP nhưng số lượng sản phẩm OCOP còn hạn chế. Các sản phẩm tuy đa dạng, phong phú nhưng phần lớn nhỏ lẻ.
Đồng chí Đinh Vĩnh Thụy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Số lượng sản phẩm OCOP của các huyện, thành phố không đồng đều, hết năm 2022, huyện Thái Thụy có 33 sản phẩm OCOP, trong khi đó, một số huyện mới chỉ có 3, 5, 8 sản phẩm. Qua đây cho thấy, công tác chỉ đạo, điều hành của một số địa phương chưa quyết liệt, thiếu đồng bộ, chưa thường xuyên, sâu sát. Việc tiếp tục đẩy mạnh chương trình OCOP có vai trò quan trọng, là “hạt nhân” tạo sản phẩm có giá trị cao, khối lượng lớn thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn mạnh mẽ hơn, phát huy tiềm năng, lợi thế địa phương, người dân nông thôn được cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập, đổi mới phương thức sản xuất. Do đó, để chương trình OCOP ngày càng hiệu quả, cần sự đồng thuận, quyết tâm, vào cuộc tích cực, thực chất, sâu sát của lãnh đạo cấp cơ sở, chủ thể và người dân là động lực, điểm tựa vững chắc cho chương trình đi vào chiều sâu, tạo giá trị bền vững.