Hội thảo “Ứng phó với biến đổi khí hậu ở Thái Bình – thực trạng và giải pháp”
Ngày: 04/08/2022
Hội đồng lý luận Trung ương phối hợp với Tỉnh ủy Thái Bình tổ chức Hội thảo khoa học chuyên đề: chủ trương, giải pháp chủ yếu ứng phó với biến đổi khí hậu. GS.TS. Phùng Hữu Phú – Phó chủ tịch thường trực Hội đồng lý luận Trung ương, TS. Nguyễn Hồng Diên – Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Bình chủ trì hội thảo.

Cùng dự có TS. Nguyễn Hồng Hà - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường, TS. Đinh Văn Ân – trợ lý Tổng Bí thư, ông Phạm Văn Ca – Phó chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, TS. Đàm Văn Vượng – Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, lãnh đạo hai huyện Thái Thụy và Tiền Hải.

Kịch bản được các chuyên gia môi trường đưa ra là nếu mực nước biển dâng 1m sẽ có khoảng 10% dân số Việt Nam bị ảnh hưởng trực tiếp, 90% diện tích trồng lúa đồng bằng sông Cửu Long bị ngập hoàn toàn. Đối với Đồng bằng sông Hồng, nước biển dâng 1m sẽ có gần 3.000km2 đất bị ngập, gần 2 triệu người bị ảnh hưởng. Nguy hiểm hơn, nếu nước biển dâng 2m sẽ có gần 4.700km2 đất bị ngập và khoảng gần 5,6 triệu người chịu ảnh hưởng ở các mức độ khác nhau.

Là tỉnh có 54km đường biển, chịu ảnh hưởng trực tiếp do biến đổi khí hậu nên Thái Bình luôn quan tâm đến lĩnh vực bảo vệ môi trường gắn với phát triển kinh tế. Đồng thời xây dựng phương án ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng để giảm thiểu thiệt hại.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, biến đổi khí hậu đã làm cho thiên tai, đặc biệt là bão, lũ, hạn hán ngày càng khốc liệt. Dự báo đến năm 2100, nhiệt độ trung bình có thể tăng thêm khoảng 3 độ C. Hậu quả nhãn tiền là đã có khoảng 30 bệnh mới xuất hiện tại Việt Nam trong vòng 20 năm gần đây. Bên cạnh đó, một số bệnh cũ cùng đã xuất hiện trở lại do biến đổi khí hậu. Hiện tượng thời tiết cực đoan, nước biển xâm nhập sâu vào đất liền đã xuất hiện gây hậu quả nặng nề về người và tài sản ở các địa phương trong cả nước.

Đối với Thái Bình, nếu nước biển dâng cao từ 60-70cm vào cuối thế kỷ 21 thì sẽ có khoảng 31% diện tích bị ngập, nặng nề nhất là hai huyện Tiền Hải, Thái Thụy. Bởi vậy, Nhà nước đã đầu tư để kiên cố hóa đê biển, đê sông, quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản tập trung quy mô lớn kết hợp với trồng rừng ngập mặn. Tuy nhiên thời gian gần đây, thời tiết diễn biến không theo quy luật, hệ thống kè trên các sông lớn chưa được đầu tư đúng mức, đồng ruộng trong đê bị nhiễm mặn cùng các yếu tố bất lợi khác đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất, đời sống của người dân ven biển và kinh tế hai huyện.

Kết luận Hội thảo, GS.TS. Phùng Hữu Phú – Phó chủ tịch thường trực Hội đồng lý luận Trung ương đánh giá cao các phương án xây dựng kịch bản ứng phó với biến đổi khí hậu cũng như các giải pháp mà các ngành, địa phương của Thái Bình đề xuất. Những kiến nghị của Thái Bình sẽ được Hội đồng lý luận Trung ương tổng hợp để báo cáo Bộ Chính trị, Ban bí thư phục vụ Hội nghị Trung ương 7, khóa XI thời gian tới.

Thaibinh.TV