Hướng mới trong cải thiện môi trường tại Nam Cường
Ngày: 04/08/2022
Xã Nam Cường huyện Tiền Hải có địa hình sâu trũng với 100% các khu vực dưới mực nước biển.Toàn xã có tổng diện tích đất tự nhiên 372,3 ha, dân số trên 3.200 người với 800 hộ gia đình sinh hoạt tại 3 thôn: Chí Cường, Đức Cường, Hoàng Môn.

Là vùng đất nằm sát biển, mỗi khi có bão xảy ra, vùng đất này là nơi hứng chịu nặng nề sự tàn phá của thiên tai. Bên cạnh đó, Nam Cường còn bị ảnh hưởng bởi sự xâm nhập mặn và biến đổi khí hậu dẫn đến thu hẹp diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Hoạt động nuôi trồng thủy sản những năm qua cũng gặp phải không ít khó khăn. Bên cạnh đó, người dân Nam Cường còn thường xuyên phải chịu cảnh khan hiếm nước ngọt, nước sạch dùng trong sinh hoạt do nguồn nước bị nhiễm mặn. Hiện  nay, toàn xã có 180 ha bị xâm nhập mặn (chiếm 84,11% tổng diện tích)Trong đó, nơi có diện tích đất bị nhiễm mặn nhiều nhất là thôn Hoàng Môn với diện tích 37 ha do địa thế của thôn Hoàng Môn nằm gần đê biển và gần hai cửa thoát nước ra biển của huyện. 

Trước thực trạng đó, Mercy Relief Limited (MCL) là tổ chức khoa học của Singapore sau khi nghiên cứu nhận thấy xã Nam Cường có địa hình trùng với tất cả các khu vực đều nằm dưới mực nước biển. Khi cơn bão xảy ra xã Nam Cường bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi bão và lũ lụt đi kèm cùng sự xâm nhập mặn hết sức nặng nề. Vì vậy, tổ chức MCL đã phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thái Bình, Trung tâm Phát triển Sáng tạo xanh (Green ID) triển khai dự án “Phòng ngừa, giảm thiểu rủi ro thiên tai, cải thiện nước sạch và sinh kế” tại xã Nam Cường. Dự án được tiến hành từ tháng 10/2012 đến tháng 9/2013. Trong giai đoạn I, các tổ chức đã phối hợp Liên hiệp Hội  triển khai nhiều hoạt động chung tay vì cộng đồng như: Tổ chức tập huấn kỹ thuật sản xuất, đưa vào trồng thử nghiệm các giống lúa chịu mặn (lúa thuần M4, M12, lúa lai ZZD001) trên diện tích 4 ha với sự tham gia của 34 hộ gia đình; hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ phế thải nông nghiệp…

 Phạm Thị Thu Hòa (thứ hai từ trái sang) -GĐ Trung tâm KCT hướng dẫn cách ủ phân hữu cơ vi sinh cho người dân xã Nam Cường huyện Tiền Hải

Bên cạnh đó, nằm ngoài khuôn khổ dự án, trong thời gian từ ngày 6/1 - 15/1/2013, 16 tình nguyện viên thuộc Văn phòng nước quốc gia Singapore “PuB” với sự đóng góp kinh phí tự nguyện cùng các thành viên của Trung tâm GreenID và Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thái Bình đã trực tiếp xây dựng cho trường Tiểu học Nam Cường một bể chứa nước mưa 15 m3; làm mới đường dẫn tới khu vệ sinh của trường dài 38 m, rộng 2m; sửa chữa, lắp đặt lại hệ thống nước, mua trang thiết bị mới dùng cho khu vệ sinh và tổ chức các hoạt động truyền thông về môi trường, chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn sử dụng nguồn nước và cách phân biệt nước sạch, hướng dẫn cách quản lý, phân loại rác cho học sinh tiểu học, mầm non và nhân dân thông qua các hoạt động giao lưu văn nghệ, tổ chức trò chơi cho học sinh…  

Các tình nguyện viên tham gia vận chuyện vật liệu để xây dựng bể chứa nước mưa tại trường THCS xã Nam Cường, huyện Tiền Hải.

Con đường được làm mới dẫn tới khu vệ sinh.

Đặc biệt, đã xây dựng và lắp đặt hệ thống lọc và xử lý nước theo công nghệ RO trị giá 100 triệu đồng, công suất 200 lít/giờ tại trụ sở UBND xã. Với việc sử dụng hệ thống RO nước sau khi lọc tổng lượng các tạp chất hòa tan trong nước dao động từ 1-5 mg/lít, giảm tới 95% chất ô nhiễm, tạp chất và độ mặn.  Màng lọc RO được sản xuất từ chất liệu Polyamit, công nghệ lọc RO được phát minh và nghiên cứu từ những năm 50 của thế kỷ trước và phát triển hoàn thiện vào thập niên 70 sau đó. Sau này công nghệ RO được ứng dụng rộng rãi vào trong đời sống và sản xuất, như sản xuất nước uống, cung cấp nước tinh khiết cho sản xuất thực phẩm, dược phẩm hay phòng thí nghiệm...

  Xây dựng và lắp đặt hệ thống lọc và xử lý nước theo công nghệ RO

Với những hoạt động tích cực từ dự án “Phòng ngừa, giảm thiểu rủi ro thiên tai, cải thiện nước sạch và sinh kế”, hiện nay UBND xã Nam Cường, Trạm y tế, học sinh các trường Tiểu học, THCS, mầm non, và một số hộ dân ở Nam Cường đã có nước sạch dùng để sinh hoạt. Hoạt động của dự án cũng đã bước đầu giúp người nông dân Nam Cường tiếp cận với khoa học công nghệ . Với kết quả xử lý nước bị ô nhiễm và với hy vọng những giống lúa đang thử nghiệm sẽ cho kết quả tốt sẽ góp phần mở ra hướng đi mới cho việc giải quyết vấn đề quản lý và sử dụng nước sạch cho vùng đất mặn Nam Cường nói riêng và các địa phương khác trong tỉnh nói chung. 

Mai Thư - Baothaibinh