Có sự hiện diện của 2 nhà nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới, Samsung và Intel - nhưng đáng tiếc là đến con chip gắn căn cước công dân, thuộc loại đơn giản nhất chúng ta vẫn chưa làm nổi.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Roh Tae-Moon, Tổng Giám đốc Samsung. Samsung sẽ tiếp tục đầu tư 3,3 tỉ USD để đầu tư sản xuất chip bán dẫn tại Việt Nam. Ảnh VGP
Synopsys, công ty Mỹ ở vị trí thống trị thị trường về tự động hóa thiết kế điện tử và phần mềm thiết kế chip cho biết sẽ hỗ trợ thành lập trung tâm thiết kế chip cho Khu công nghệ cao TP HCM - theo tin từ Nikkei Asia.
Tờ báo này dẫn lời một Phó chủ tịch Synopsys cho biết, có thể bắt đầu thiết kế các vi mạch tích hợp (IC) cho tủ lạnh, máy điều hòa không khí và sau đó nâng cao chuỗi giá trị.
Một bản tin nhỏ nhưng đầy ý nghĩa, cho thấy Việt Nam thật sự là một “điểm đến” hấp dẫn trong sự “dịch chuyển” toàn cầu.
Chỉ vừa tháng 8, Tổng giám đốc Samsung Roh Tae-Moon đã đến Việt Nam để bàn về khoản đầu tư 3,3 tỉ USD trong năm 2022 này. Samsung sẽ sản xuất thử các sản phẩm chip bán dẫn và sẽ sản xuất thương mại từ tháng 7.2023 tại Thái Nguyên.
Với Samsung, với doanh thu chất bán dẫn trong năm 2021 là 83,09 tỉ USD và Intel - doanh thu 75,55 tỉ USD, chúng ta đang có sự hiện diện của 2 nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới.
Chính sách thu hút FDI thật sự đã mang lại quả ngọt. Nhưng cũng phải mở ngoặc về “giá trị gia tăng” mà chúng ta đã bỏ phí.
Báo Thanh Niên dẫn lời ông Đỗ Khoa Tân, Phó tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử, nói về con chip gắn trên căn cước công dân, rằng: Dù đây là loại chip đơn giản nhất nhưng Việt Nam vẫn chưa thể sản xuất được vì giá thành quá mắc khi số lượng chưa đủ lớn. Vì để sản xuất được các loại chip cần phải nắm giữ được công nghệ, vì cần đầu tư rất lớn và vì cần trình độ lao động nữa.
Câu chuyện ấy rất đáng để suy nghĩ.
Bởi sự hiện diện của các nhà sản xuất thống trị chip bán dẫn, loại hàng hoá đang “chi phối” thế giới... sẽ chỉ thật sự có ý nghĩa nếu qua đó chúng ta nắm bắt chuyển giao khoa học kỹ thuật công nghệ, thay vì chỉ bán mồ hôi.
Chỉ thật sự có ý nghĩa khi không chỉ bằng đất đai, ưu đãi thuế, bằng thảm đỏ, chúng ta cần có sự chuẩn bị về chất xám nữa.
Có một câu chuyện đáng coi là một bài học: Năm 2008, Intel mở đợt tuyển dụng kỹ sư người Việt, nhưng trong 2.000 bộ hồ sơ có lý lịch học tập xuất sắc, chỉ 40 người qua được “vòng gửi xe”.