Chiều ngày 10/8, đồng chí Lại Văn Hoàn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đi kiểm tra tình hình sâu bệnh hại lúa mùa tại huyện Hưng Hà, Đông Hưng.
Đến tuần 1 tháng 8, lúa mùa trong toàn tỉnh sinh trưởng và phát triển khá tốt, trà lúa mùa sớm đang ở giai đoạn phân hóa đòng đến làm đòng; trà lúa mùa đại trà đang ở giai đoạn cuối đẻ nhánh đến phân hóa đòng. Dự kiến lúa mùa sẽ trỗ bông sớm hơn cùng kỳ nhiều năm từ 5 - 7 ngày. Qua kiểm tra trên đồng ruộng các đối tượng sâu bệnh hại (sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân hai chấm) đã phát sinh và dự báo sẽ gây hại trong thời gian tới. Trong đó, sâu non cuốn lá nhỏ lứa 5 nở rộ từ ngày 9 - 16/8, gây hại lá đòng và lá công năng trên trà lúa mùa trỗ trước ngày 5/9. Dự báo, ở cao điểm 1, sâu non cuốn lá nhỏ có mật độ trung bình từ 40 - 50 con/m2, nơi cao 150 - 200 con/m2. Sâu non đục thân hai chấm nở rộ từ 7 - 17/8 gây thui đòng, bông bạc cho trà lúa trỗ trước ngày 30/8. Ở cao điểm này, sâu non đục thân hai chấm nở tương đối trùng với sâu cuốn nhỏ, nên ở những vùng có mật độ sâu đục thân hai chấm cao phun trừ sâu đục thân là chính kết hợp với phun trừ sâu cuốn nhỏ.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các địa phương tổ chức đợt phòng, trừ sâu cuốn lá nhỏ và sâu đục thân hai chấm từ ngày 11 - 14/8 cho trà lúa trỗ bông trước ngày 10/9 ở các huyện phía Bắc và trà lúa trỗ bông trước ngày 5/9 ở các huyện phía Nam. Diện tích cần phun đợt này khoảng 35.000ha, trong đó phun trừ sâu cuốn lá nhỏ khoảng 30.000ha, sâu đục thân hai chấm khoảng 5.000ha.
Huyện Đông Hưng phát động đợt phun thuốc phòng, trừ sâu cuốn lá nhỏ từ ngày 11 - 14/8, diện tích cần phun khoảng 5.000ha. Ngoài sâu cuốn lá nhỏ, huyện Hưng Hà đề nghị các địa phương chỉ đạo nông dân thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, phun trừ sâu đục thân hai chấm, bệnh khô vằn khi đến ngưỡng, diện tích cần phun khoảng 8.000ha.
Kiểm tra tại các xã: Canh Tân (Hưng Hà), Phú Châu (Đông Hưng), đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các huyện, thành phố triển khai công tác phòng, trừ sâu bệnh tới tất cả các xã, thị trấn theo khuyến cáo của ngành Nông nghiệp; chỉ đạo các địa phương triển khai các biện pháp phòng, trừ sâu bệnh tới nông dân để thực hiện; đồng thời tăng cường công tác quản lý nhà nước ở địa phương về kinh doanh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Ngành Nông nghiệp phân công cán bộ kỹ thuật phối hợp với các địa phương bám sát đồng ruộng, tăng cường điều tra, dự tính, dự báo tình hình sâu bệnh; kịp thời khuyến cáo thời gian, kỹ thuật, các loại thuốc phòng trừ sâu bệnh tới nông dân bảo đảm đúng thời gian, đúng đối tượng.
Cán bộ Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Hưng Hà kiểm tra mật độ trứng sâu đục thân trên đồng ruộng.
Nguồn: Báo điện tử Pháp luật Việt Nam