Một trong những hạn chế lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, là sự thiếu vắng nhân lực KHCN. Việc tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh sẽ giúp doanh nghiệp thu hút và giữ chân các tài năng khoa học công nghệ.
Ngày 3/12, Viện Kinh tế Việt Nam đã phối hợp với Viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển tổ chức hội thảo "Giải pháp phát triển nguồn nhân lực khoa học công nghệ trẻ trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở nước ta giai đoạn 2021-2030".
Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Bùi Quang Tuấn và Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thanh niên – Trung ương Đoàn TNCS HCM Đặng Vũ Cảnh Linh đồng chủ trì hội thảo
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam Bùi Quang Tuấn, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhấn mạnh sự chuyển mình mạnh mẽ của công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI) và cách mạng công nghiệp 4.0.
Sự bùng nổ của AI và công nghệ số không chỉ thay đổi phương thức hoạt động của các doanh nghiệp mà còn tạo ra những cơ hội và thách thức cho nguồn nhân lực trẻ. Doanh nghiệp vừa và nhỏ cần khai thác tối đa tiềm năng của nhân lực trẻ để thúc đẩy đổi mới sáng tạo và cải tiến quy trình sản xuất.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thanh niên – Trung ương Đoàn TNCS HCM Đặng Vũ Cảnh Linh phát biểu tại hội thảo
Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thanh niên – Trung ương Đoàn TNCS HCM Đặng Vũ Cảnh Linh, các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ thường chỉ tập trung cho những hoạt động sản xuất kinh doanh cho lợi nhuận trước mắt; trong khi đó, năng lực KHCN trong các doanh nghiệp là yếu tố quyết định năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp vẫn chưa được chú trọng, quan tâm, đầu tư đúng mức.
Một trong những hạn chế lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, là sự thiếu vắng nhân lực KHCN, chưa phát huy được vai trò của lực lượng xã hội quan trọng này cho phát triển doanh nghiệp.
Sự thiếu vắng nhân lực KHCN trong các doanh nghiệp trở thành rào cản trong việc thực hiện chính sách liên kết giữa ba nhà (nhà khoa học, nhà quản lý, nhà doanh nghiệp) trong việc chuyển giao, ứng dụng tiến bộ KH&CN.
Từ tháng 11/2022, đề tài nghiên cứu khoa học "Chính sách và giải pháp phát triển nhân lực khoa học công nghệ trẻ trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam trong giai đoạn 2021-2030" được Bộ KH&CN cho phép triển khai.
Hiện nay, đề tài đã triển khai và hoàn thành nghiên cứu, điều tra, khảo sát tại 10 tỉnh/ thành phố với mẫu thống kê chi tiết 300 doanh nghiệp, khảo sát 1,200 nhân lực khoa học, công nghệ trẻ, thực hiện 220 cuộc phỏng vấn sâu, thảo luận nhóm với đại diện các nhà quản lý địa phương, chủ doanh nghiệp, nhân lực KHCN trẻ, đại diện các nhà quản lý, hoạch định chính sách, chuyên gia, các nhà giáo dục, các nhóm học sinh, sinh viên, trí thức trẻ...
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng – Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam Lê Văn Hùng phát biểu tại hội thảo
Theo Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng – Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam Lê Văn Hùng cho rằng, trong những năm vừa qua, nhân lực trong lĩnh vực KHCN có xu hướng tăng khá nhanh, chủ yếu tập trung tăng nhanh đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học. Trong giai đoạn 2015-2021, số lượng cán bộ nghiên cứu tăng từ 131.045 người lên 156.588 người (tăng hơn 25 nghìn nhà nghiên cứu).
Số lượng nhân lực khoa học dù có xu hướng gia tăng nhưng vẫn còn thấp so với các nước trong khu vực và thế giới. Chính sách phát triển nhân lực khoa học hiện còn dài trải, thiếu trọng tâm trọng điểm đối với các ngành, lĩnh vực trong từng giai đoạn cụ thể nên chưa tạo ra những đóng góp có tính đột phá, tiên phong của đội ngũ nhân lực KHCN...
Chia sẻ về kết quả điều tra khảo sát của đề tài trên, đến từ Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng – Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, bà Đỗ Thị Kim Anh cho biết, nhân lực KHCN trong doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam hiện nay có trình độ từ Đại học trở lên (57,5%), số nhân lực có trình độ trung cấp, cao đẳng nghề chiếm tỷ lệ 26,9%.
Nhân lực có trình độ THPT chiếm 12,7% chủ yếu là lao động trong dây chuyền sản xuất, vận hành máy móc, kỹ thuật. Có 53,2% nhân lực KHCN được làm các công việc đúng ngành nghề được đào tạo và 39,5% nhân lực KHCN phát huy được năng lực chuyên môn. Điều này phản ánh sự chưa phù hợp giữa đào tạo và thực tế sử dụng nhân lực trong các doanh nghiệp.
Các đại biểu tham dự hội thảo
Tại hội thảo, các chuyên gia đã đưa ra một số giải pháp cụ thể để phát triển nhân lực KHCN trẻ trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Cụ thể như: Tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh nhằm thu hút, thúc đẩy doanh nghiệp, hội, cá nhân đầu tư phát triển KHCN, nghiên cứu sâu, giảm tình trạng doanh nghiệp đầu cơ, tầm nhìn ngắn hạn.
Bảo đảm sự bình đẳng trong tiếp cận chính sách về đào tạo, thu hút, đánh giá, sử dụng, trọng dụng, tôn vinh nhân tài đối với trí thức trong các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế thuộc các loại hình sở hữu. Đưa việc phát triển nhân lực khoa học của các doanh nghiệp tư nhân, tổ chức kinh tế ngoài công lập vào kế hoạch phát triển đội ngũ khoa học của chính quyền các cấp.
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần khuyến khích và hỗ trợ các sáng kiến khởi nghiệp trong lĩnh vực KHCN. Ngoài ra, việc hợp tác với các trường đại học và viện nghiên cứu không chỉ giúp các doanh nghiệp tiếp cận với các nghiên cứu mới mà còn tạo ra cơ hội cho đội ngũ nhân lực khoa học trẻ học hỏi và phát triển. Đây là một trong những cách thức quan trọng để nâng cao chất lượng nhân lực KHCN...
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh công nghệ đang phát triển nhanh chóng, việc chuẩn bị tốt cho đội ngũ nhân lực KHCN trẻ sẽ không chỉ giúp doanh nghiệp phát triển bền vững mà còn góp phần quan trọng vào việc nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ KHCN thế giới.