Thảo luận giải pháp mang tính chiến lược về công tác PBKT của Liên hiệp Hội Việt Nam
Ngày: 28/10/2024
Sáng 24/10, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức Hội thảo Giải pháp phát huy vai trò của đội ngũ trí thức trong công tác phổ biến kiến thức KH&CN. Hội thảo có sự tham dự của đại diện lãnh đạo các Hội ngành toàn quốc, Liên hiệp Hội các tỉnh thành phố, Văn phòng và các ban chuyên môn của VUSTA.

tm-img-alt

Toàn cảnh hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch VUSTA Phạm Quang Thao nhấn mạnh, truyền thông, phổ biến kiến thức KH&CN là nhiệm vụ quan trọng và cũng là thế mạnh của VUSTA và các hội thành viên. Đây là trách nhiệm đã được Đảng và Nhà nước khẳng định qua nhiều văn bản chỉ đạo. Việc truyền tải các kiến thức KH&CN đến người dân và cộng đồng là yếu tố quyết định trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, giúp nâng cao nhận thức và thúc đẩy ứng dụng khoa học vào đời sống thực tiễn. VUSTA và các hội thành viên có trách nhiệm tổ chức thực hiện các hoạt động phổ biến kiến thức KH&CN, tham gia xây dựng xã hội học tập, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài” – PGS.TS Phạm Quang Thao nhấn mạnh.

tm-img-alt

PGS.TS Phạm Quang Thao, Phó Chủ tịch VUSTA phát biểu khai mạc, định hướng hội thảo

Mặc dù đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên theo PGS.TS Phạm Quang Thao, công tác phổ biến kiến thức của VUSTA và các tổ chức thành viên vẫn còn nhiều tồn tại: Chưa có sự liên kết giữa các hội thành viên, chưa có chiến lược, kế hoạch tổng thể, mục tiêu dài hạn cũng như mục tiêu cụ thể của toàn hệ thống, chưa tạo được tác động rõ nét và sâu rộng trong xã hội. VUSTA chưa thể hiện được vai trò rõ nét vai trò tập hợp và thúc đẩy đóng góp của các tổ chức, các nhà khoa học trong hệ thống, xây dựng các chương trình có tính chất liên ngành, ở phạm vi rộng, quy mô lớn, từ đó tạo ra các tác động rõ nét góp phần nâng cao dân trí và phát triển nền KH&CN quốc gia. Do vậy, trong giai đoạn 2025-2030, VUSTA và các hội thành viên cần có kế hoạch, chương trình cụ thể.

Báo cáo công tác phổ biến kiến thức của VUSTA trong thời gian qua, bà Phạm Thị Bích Hồng, Phó trưởng ban TT&PBKT của VUSTA cho biết, hoạt động phổ biến kiến thức KH&CN của VUSTA diễn ra thường xuyên, liên tục, được hội viên, xã hội và các cơ quan liên quan ghi nhận, trong đó, có việc tuyên truyền và phổ biến kiến thức thông qua hệ thống báo chí.

tm-img-alt

Bà Phạm Thị Bích Hồng, Phó trưởng ban TT&PBKT báo cáo công tác PBKT của VUSTA

Với sự tăng cường ứng dụng chuyển đổi số, các cơ quan báo chí trong hệ thống báo chí VUSTA và các hội thành viên có những bước chuyển mình, không ngừng đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các kiến thức mới, tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong các ngành, lĩnh vực giúp nâng cao dân trí, bảo vệ sức khỏe nhân dân, tăng tính thích ứng và ứng phó với biến đổi khí hậu, nâng cao chất lượng sống cho người dân trên khắp vùng miền đất nước.

Theo bà Phạm Thị Bích Hồng, những nhiệm vụ và kế hoạch cụ thể cần giải quyết được một số vấn đề lớn đặt ra mang tính chiến lược trong giai đoạn hiện nay về công tác phổ biến kiến thức KH&CN của VUSTA và các hội thành viên, đó là: Làm thế nào để hoạt động phổ biến kiến thức của VUSTA và các tổ chức thành viên đạt được kết quả ngang tầm nhiệm vụ? Làm thế nào để tạo được các dấu ấn nổi bật về hoạt động phổ biến kiến thức của VUSTA và các hội thành viên? Làm thế nào để xây dựng thương hiệu uy tín trong lĩnh vực phổ biến kiến thức gắn với VUSTA và các hội thành viên?

Tại hội thảo, GS.VS Trần Đình Long, Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam chia sẻ về những hoạt động phổ biến kiến thức của Hội. Ông cho biết, Hội

Giống cây trồng Việt Nam đã nỗ lực trong việc phổ biến các tiến bộ khoa học liên quan đến giống cây trồng nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn do thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng và việc tiếp cận chưa hiệu quả tới người dân, cụ thể là nông dân. GS.VS Trần Đình Long đề xuất cần có những chính sách hỗ trợ cụ thể và hợp tác chặt chẽ giữa các bên để nâng cao hiệu quả công tác này.

tm-img-alt

GS.VS Trần Đình Long, Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam phát biểu tại hội thảo

Trần Văn Miều, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam chia sẻ, phổ biến kiến thức KH&CN phải dựa vào nhu cầu thực tế của người dân, tập trung vào những kiến thức mà họ thực sự cần, chứ không phải chỉ truyền đạt những gì chúng ta biết.

Một trong những giải pháp quan trọng được đề xuất tại Hội thảo là việc tăng cường công tác đào tạo, nâng cao năng lực truyền thông khoa học công nghệ cho đội ngũ trí thức, xây dựng đội ngũ chuyên trách thực hiện công tác TT&PBKT. Nhiều đại biểu cho rằng, hiện nay, việc phổ biến kiến thức khoa học công nghệ không chỉ dừng lại ở việc tổ chức các buổi hội thảo, tọa đàm hay hội nghị khoa học mà cần phải đa dạng hóa hình thức truyền thông, đặc biệt là ứng dụng công nghệ số. Việc sử dụng các nền tảng trực tuyến, mạng xã hội hay các kênh truyền thông hiện đại sẽ giúp nội dung phổ biến trở nên hấp dẫn, dễ hiểu và tiếp cận được đông đảo công chúng, đặc biệt là giới trẻ.

Xác định vai trò của đội ngũ trí thức trong hoạt động phổ biến kiến thức KH&CN là nhiệm vụ thường xuyên, xuyên suốt và trọng tâm, góp phần mang tri thức đến với người dân, cộng đồng và phải luôn mang tính mới, tính thời sự, bổ ích, thiết thực. Ông Hồ Đình Lưỡng - Chủ tịch Liên hiệp Hội tỉnh Phú Thọ đã đề xuất một số giải pháp như: cần có sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên giữa VUSTA với Liên hiệp hội các tỉnh, thành phố; thường xuyên tập huấn kỹ năng, phương pháp tổ chức các hoạt động phổ biến kiến thức KH&CN cho cán bộ công tác tại Hội ngành toàn quốc, Liên hiệp hội các tỉnh, thành phố; đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác phổ biến kiến thức KH&CN theo xu hướng phát triển mạnh mẽ của công nghệ và thời đại công nghệ số.

tm-img-alt

Hội thảo nhận được nhiều kiến nghị, đề xuất, đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học, lãnh đạo Liên hiệp Hội các địa phương

tm-img-alt

TS Lê Công Lương – Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng ban Khoa học, công nghệ và môi trường VUSTA phát biểu tổng kết hội thảo

Để công tác phổ biến kiến thức khoa học công nghệ thực sự phát huy hiệu quả, theo các đại biểu, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức và đội ngũ trí thức. Chỉ khi có được sự quan tâm đúng mức, cùng những chính sách hỗ trợ kịp thời, đội ngũ trí thức mới có thể hoàn thành tốt sứ mệnh của mình trong việc đưa khoa học công nghệ vào cuộc sống, góp phần xây dựng một xã hội hiện đại, phát triển trên nền tảng tri thức.

Một số đại biểu nhận định, hội thảo, tập huấn là một trong những hình thức phổ biến kiến thức hiệu quả, tuy nhiên các hội thảo, tập huấn cần hướng tới đối tượng người dân nhiều hơn, nội dung tập huấn cần có sự tập trung tránh trải rộng, phù hợp với yêu cầu thực tiễn của đối tượng tập huấn và giai đoạn nhất định.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng đã có nhiều góp ý cho nhiệm vụ truyền thông, PBKT của VUSTA giai đoạn 2025 – 2030 như xây dựng kho dữ liệu tạo thành thư viện ảo, xây dựng các nền tảng mạng xã hội phục vụ công tác PBKT, đổi mới hoạt động TT&PBKT thông qua hệ thống báo chí của VUSTA…