Chào mừng Đại hội đại biểu Hiệp hội Gia cầm và Trang trại nông nghiệp Thái Bình lần thứ IV Đồng hành cùng nông dân phát triển kinh tế
Thời gian qua, bằng nhiều việc làm thiết thực, hiệu quả, Hiệp hội Gia cầm và Trang trại nông nghiệp Thái Bình (Hiệp hội) không ngừng củng cố, xây dựng tổ chức hội vững mạnh, đồng hành cùng hội viên, nông dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.
Sản phẩm trứng vịt biển Đông Xuyên của HTX Chăn nuôi tổng hợp Đông Xuyên (Tiền Hải) - thành viên của Hiệp hội đạt chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh.
Năm 2018, khi bắt đầu nuôi ốc nhồi, ông Phan Văn Quang, thôn Quý Đức, xã Đông Xuyên (Tiền Hải) từng đếm trên tay những lần thất bại. Nhưng được sự hỗ trợ của Hiệp hội cùng sự kiên trì, theo đuổi đam mê, ông Quang đã khiến nhiều người ngưỡng mộ về cách làm giàu từ nuôi ốc nhồi. Với quy mô gần 6 sào ao, mỗi năm, ông Quang thu lãi gần 200 triệu đồng từ bán ốc nhồi thịt, ốc giống.
Ông Quang cho biết: Thời gian đầu, do chưa có kinh nghiệm nuôi nên ốc chết rất nhiều. Nhờ sự kết nối, đồng hành của Hiệp hội, tôi đã học hỏi được kỹ thuật từ những mô hình thực tế, áp dụng thành công vào chăn nuôi của gia đình. Nhờ vậy, từ đó đến nay tôi đều nuôi ốc nhồi thành công. Ưu điểm của nuôi ốc nhồi là thời gian thu hồi vốn nhanh, chi phí thức ăn thấp, dễ kiếm trong tự nhiên, không tốn nhiều công chăm sóc mà lợi nhuận lại rất cao.
Ông Ngô Văn Duẩn, Giám đốc HTX Chăn nuôi tổng hợp xã Đông Xuyên, Chủ tịch Chi Hiệp hội huyện Tiền Hải cho biết: Chi Hiệp hội hiện có 26 hội viên. Tuy số lượng không nhiều nhưng tất cả hội viên đều là chủ trang trại, gia trại chăn nuôi quy mô lớn, là những người có kinh nghiệm sản xuất, là nòng cốt trong phát triển sản xuất nông nghiệp cũng như tạo ra khối lượng nông sản hàng hóa của huyện. Chi Hiệp hội hiện có 3 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh, 2 sản phẩm đạt thương hiệu nông nghiệp vàng Việt Nam năm 2021. Sau khi bệnh dịch tả lợn châu Phi xuất hiện, ảnh hưởng tới chăn nuôi, các hội viên của Chi Hiệp hội thay đổi quy trình chăn nuôi, 60% số hội viên áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học, sử dụng vi sinh; chuyển đổi con vật nuôi kém hiệu quả sang nuôi con đặc sản như: vịt biển, cá chạch lấu, ốc nhồi, ếch, rạm đồng... mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp 3 - 5 lần chăn nuôi truyền thống, lại ổn định đầu ra.
Hiệp hội hiện có 175 hội viên là các HTX, doanh nghiệp, chủ trang trại, gia trại. Đồng hành cùng hội viên phát triển kinh tế nông nghiệp, Hiệp hội đã phối hợp với Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các công ty thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật... tổ chức hội nghị chuyên đề, hội thảo, hội nghị tập huấn nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, kinh nghiệm chăn nuôi, trồng trọt, phòng và chống bệnh, bảo vệ môi trường cho hội viên, xây dựng mô hình chuỗi giá trị bền vững... 5 năm qua, Hiệp hội tổ chức thành công 28 lớp tập huấn, hội thảo cho gần 3.000 hội viên và người lao động, giúp các hội viên học hỏi kinh nghiệm xử lý tình huống phát sinh trong chăn nuôi, trồng trọt để sản xuất, kinh doanh hiệu quả; xây dựng 8 mô hình ứng dụng khoa học công nghệ, giúp hội viên chia sẻ, tham khảo, học tập xây dựng mô hình phù hợp với điều kiện thực tế, điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Hiệp hội phối hợp với Trường Trung cấp Nông nghiệp Thái Bình tổ chức 9 lớp đào tạo nghề cho 380 hội viên và người lao động.
Mô hình trồng măng tây của ông Nguyễn Thành Trung, xã Quỳnh Giao (Quỳnh Phụ) mang lại thu nhập cao.
Trước ảnh hưởng của dịch Covid-19 gây khó khăn cho tiêu thụ nông sản, Hiệp hội đã chủ động nắm tình hình để động viên, chia sẻ; phối hợp với các cơ quan chức năng xây dựng thương hiệu an toàn vệ sinh thực phẩm, OCOP, VietGAP... mở rộng cơ sở sản xuất, kinh doanh, thành lập HTX mới theo Luật Hợp tác xã năm 2012; xây dựng chương trình xúc tiến thương mại, tham gia hội chợ, xây dựng gian hàng giới thiệu và bán sản phẩm nông nghiệp tại nhiều tỉnh, thành phố: Yên Bái, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định... 5 năm qua, các hội viên đã xuất bán được khoảng 6.500 tấn lợn hơi, trị giá khoảng 300 tỷ đồng; 1.350 tấn gà thịt trị giá 82 tỷ đồng; 42 triệu quả trứng; 200 tấn tôm thẻ chân trắng... Đặc biệt, các hội viên còn mạnh dạn đổi mới, sáng tạo đưa các loại con giống có giá trị về nuôi và kinh doanh: cá koi, chạch sụn, ốc nhồi, ba ba gai... mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần hình thành các liên kết chuỗi cung ứng.
Làm tốt việc nghiên cứu khoa học, chuyển giao ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, đời sống và xây dựng nông thôn mới, trong 5 năm qua, Hiệp hội đã tập trung triển khai 6 đề tài: ứng dụng công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi bằng phương pháp sinh học; nuôi thỏ, ốc bươu, chạch sụn; trồng sả chanh, hương nhu trắng trên đất lúa kém hiệu quả, đất phèn, đất mặn; nuôi gà sinh học; bảo tồn gà Tò; trồng lúa theo hướng hữu cơ bước đầu đem lại hiệu quả thiết thực về kinh tế - xã hội.
Bà Lưu Thị Chỉ, Chủ tịch Hiệp hội cho biết: Thời gian tới, Hiệp hội sẽ phối hợp với các đơn vị thực hiện tốt hoạt động nghiên cứu khoa học và ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường, trong đó quan tâm nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ trong các lĩnh vực: phát triển nông nghiệp và nông thôn, chống biến đổi khí hậu, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất thức ăn chăn nuôi, trồng trọt xây dựng chuỗi chăn nuôi và trồng trọt tuần hoàn, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, chăn nuôi hữu cơ. Chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; nghiên cứu, đề xuất các biện pháp nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp phù hợp với địa phương, phát huy tính năng động, sáng tạo của hội viên Hiệp hội.
baothaibinh.com.vn