“Mặc dù đội ngũ trí thức đã tăng cả về số lượng và chất lượng nhưng hiện nay đất nước vẫn còn ít các nhà khoa học hàng đầu, để dẫn dắt, quy tụ các nhà khoa học lớn tham gia góp ý, tham mưu cho Đảng và Chính phủ trong những quyết sách lớn, quan trọng…”
Đó là ý kiến của Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam Nguyễn Hữu Giới tại hội thảo "Một số ý kiến của trí thức KH&CN Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) gửi tới kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV” vừa được tổ chức sáng nay 17/9 tại Hà Nội.
Từ phải qua trái: Phó Chủ nhiệm UB KHCN&MT của Quốc hội Tạ Đình Thi; Đại biểu Quốc hội khóa 15, Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam Phan Xuân Dũng; Tổng Thư ký Liên hiệp Hội Việt Nam Nguyễn Quyết Chiến chủ trì hội thảo.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam Phan Xuân Dũng cho biết, việc lấy ý kiến, phản ánh, kiến nghị của nhân dân trước mỗi kỳ họp của Quốc hội là một nhiệm vụ quan trọng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam mà trong đó Liên hiệp Hội Việt Nam là thành viên, đại diện cho đội ngũ trí thức KH&CN, với số lượng lên đến 2,2 triệu trí thức, chiếm tới 32,5% đội ngũ trí thức cả nước.
Đây là một trong những kênh quan trọng để đội ngũ trí thức KH&CN phát huy vai trò, trách nhiệm tham gia đóng góp thêm cơ sở, luận cứ, góp phần hoàn thiện thể chế, giám sát, nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả trong thực thi pháp luật, để chính sách, pháp luật đi vào cuộc sống, thúc đẩy sự phát triển chung của đất nước.
Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam Phan Xuân Dũng phát biểu khai mạc hội thảo
Theo Chủ tịch Phan Xuân Dũng, từ kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV tới nay đã diễn ra nhiều sự kiện chính trị - xã hội mà cử tri toàn quốc cũng như trí thức KH&CN quan tâm.
Trong đó có việc một số chính sách mới ban hành về tài chính, tiền tệ đã phần nào tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh cho người dân và doanh nghiệp.
An sinh xã hội, lao động, việc làm được cải thiện khi có sự điều chỉnh tiền lương mới. Công tác phòng, chống tham nhũng tiêu cực, công tác dân tộc, tôn giáo tiếp tục được đẩy mạnh.
Các vấn đề về giáo dục - đào tạo, dạy nghề, y tế, an toàn thực phẩm, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu từng bước được cải thiện...
Gần đây nhất là vấn đề khắc phục hậu quả của cơn bão số 3 gây thiệt hại nặng nề cho một số tỉnh miền Bắc nước ta được cả nước quan tâm chia sẻ…
Quang cảnh hội thảo
Tại hội thảo, Nguyên Phó Chủ tịch Liên Hiệp Hội Việt Nam Phạm Văn Tân đề nghị các cơ quan chức năng đánh giá tình hình thiệt hại, hậu quả của cơn bão số 3 và mưa lũ vừa qua tại các địa phương gây ảnh hưởng như nào đến tình hình tăng trưởng kinh tế năm 2024, cũng như các giải pháp khắc phục hậu quả mưa bão, phục hồi sản xuất, kinh doanh. Cần đánh giá khách quan, thấy rõ khó khăn và dự báo thật tốt để xây dựng định hướng, kịch bản phát triển kinh tế-xã hội năm 2025.
Bên cạnh việc cơ quan hành pháp được giao việc xây dựng văn bản luật, Quốc hội cần xem xét việc giao cho cơ quan, tổ chức nào thực hiện việc xây dựng các văn bản luật để trình Quốc hội như: tổ chức ngoài Nhà nước, các tổ chức xã hội, người dân cũng được ủng hộ trong sáng kiến xây dựng pháp luật như thông lệ quốc tế, ông Tân đề mong muốn.
Nguyên Phó Chủ tịch Liên Hiệp Hội Việt Nam Phạm Văn Tân phát biểu
Cho ý kiến về việc phát triển đội ngũ trí thức Việt Nam, trong đó có trí thức KH&CN, Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam Nguyễn Hữu Giới cho rằng, chủ trương của Đảng ta về vấn đề này thì rất đúng và rất trúng, thể hiện trong các Nghị quyết của Đảng.
Nhờ đó, đội ngũ trí thức Việt Nam hiện nay đã đông về số lượng và tăng về chất lượng, trong đó có nhiều nhà khoa học có uy tín, chuyên gia giỏi ở các lĩnh vực cả những lĩnh vực mới.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hữu Giới, vẫn còn ít các nhà khoa học hàng đầu, để dẫn dắt, để quy tụ các nhà khoa học lớn ở trong và ngoài nước cùng tham gia góp ý, tham mưu cho Đảng và Chính phủ trong những quyết sách lớn và quan trọng.
"Nếu được biết tới, được đánh giá đúng, được "chiêu hiền, đãi sĩ" và ứng xử tốt, đúng mực với họ, mạnh dạn giao công việc (để họ chủ động điều hành), thì họ sẽ lăn xả vào công việc khoa học - lĩnh vực mà họ đam mê, hiểu biết, sẵn sàng cống hiến hết mình vì lợi ích chung", ông Nguyễn Hữu Giới bày tỏ và đề nghị hoàn thiện hành lang pháp lý thật đầy đủ cho sự phát triển của đội ngũ trí thức Việt Nam.
Trong đó, ông Giới đề xuất Quốc hội cho phép xây dựng và ban hành Luật về Hội để góp phần đẩy mạnh việc quản lý và tổ chức hội ở nước ta, thúc đẩy việc đoàn kết, tập hợp lực lượng đội ngũ trí thức Việt Nam tham gia, hiến kế cho Đảng và Chính phủ nhiều vấn đề quan trọng, nhiều quyết sách lớn mang tầm chiến lược.
Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam Nguyễn Hữu Giới phát biểu
Cho ý kiến về việc phát triển văn hóa ở Việt Nam, ông Nguyễn Hữu Giới cho rằng, nhiều năm qua, việc đầu tư cho văn hóa ở nước ta ở mức thấp. Đơn cử như ngành thư viện, hàng năm ngoài chi lương cho cán bộ làm việc, chỉ còn kinh phí rất khiêm tốn chi cho thư viện hoạt động nghiệp vụ, chuyên môn và bổ sung sách báo, tài liệu. Việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, từng hiện đại hóa thư viện và chuyển đổi số của ngành vẫn còn nhiều khó khăn…
Vì vậy, Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam đề nghị các đại biểu Quốc hội lưu ý về việc sắp tới cần tăng mức đầu tư ngân sách cho phát triển văn hóa, trong đó có thư viện. Bởi đây sẽ là cú hích cần thiết, là sự "chấn hưng văn hóa" cần thiết trong giai đoạn mới.
Chủ tịch Liên hiệp hội tỉnh Phú Thọ Hồ Đình Lưỡng phát biểu
Đóng góp ý kiến về xây dựng nền hành chính phục vụ phát triển kinh tế - xã hội kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, Chủ tịch Liên hiệp hội tỉnh Phú Thọ Hồ Đình Lưỡng nêu quan điểm: Cần tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nền hành chính phục vụ, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; chú trọng hỗ trợ, kiến tạo, đồng hành với Nhân dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong mọi hoạt động.
Ông Lưỡng đề đạt: Các Bộ, ngành, địa phương cần chủ động, sáng tạo, trách nhiệm hơn trong việc kiến tạo các cơ chế đột phá, đặc thù, hướng đi mới, cách làm đột phá trong thẩm quyền hoặc kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ để tạo thêm cơ chế, động lực mới góp phần khơi thông các nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên cơ sở đúc rút kinh nghiệm, kết quả từ thực tiễn và tiếp cận kinh nghiệm của các nước phát triển trên thế giới, trong khu vực và có điều kiện kinh tế - xã hội tương đồng với Việt Nam. Bên cạnh đó là chỉ đạo tập trung đổi mới, sáng tạo ngay trong bộ máy quản lý Nhà nước các cấp để có nhiều hướng tiếp cận, cách làm hay, chuyên nghiệp, hiệu quả trong công tác đón tiếp, hướng dẫn, xúc tiến đầu tư và các thủ tục hành chính liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của Nhân dân, góp phần tạo môi trường thuận lợi, hài hòa, thúc đẩy đầu tư, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp trong toàn xã hội.
Trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan thực thi pháp luật cần quan tâm, chú trọng đến văn hóa xử phạt nhất là xử phạt những lĩnh vực liên quan trực tiếp đến số đông người dân và liên quan đến từng tính chất của sự việc. Bên cạnh cơ chế xử phạt, các cơ quan chức năng nên coi trọng, quan tâm đến văn hóa hướng dẫn, tuyên truyền, thuyết phục để tạo sự đồng thuận và sự tự giác chấp hành pháp luật vì sự phát triển của đất nước. - Chủ tịch Liên hiệp hội tỉnh Phú Thọ đề xuất.
Các đai biểu tham dự hội thảo
Tại hội thảo, các nhà khoa học, chuyên gia, trí thức cũng đề xuất ý kiến về một số vấn đề cụ thể như về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật; việc nâng cao chất lượng các dự án luật, chính sách; công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; công tác lựa chọn cán bộ; vấn đề cải cách tiền lương; bảo vệ môi trường, ứng phó biến đối khí hậu…
Chủ tịch Liên hiệp Hội Khoa Việt Nam Phan Xuân Dũng phát biểu kết thúc hội thảo
Phát biểu kết luận hội thảo, Chủ tịch Liên hiệp Hội Khoa Việt Nam Phan Xuân Dũng đã đánh giá cao những ý kiến đóng góp, đề xuất của các trí thức khoa học và công nghệ tại Hội thảo. Đây sẽ là cơ sở để Quốc hội yêu cầu các cơ quan Nhà nước nghiên cứu, giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri và báo cáo với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội kết quả giải quyết. Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam sẽ tiếp thu tối đa các ý kiến, đề xuất đóng góp để Tổ thư ký tổng hợp đầy đủ, trình cấp có thẩm quyền xem xét và gửi đến Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Một số hình ảnh tại hội thảo:
Ông Nguyễn Hữu Dũng – Hội Thủy sản VN phát biểu
Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam Nguyễn Xuân Dương phát biểu
Ông Phạm Văn Sơn– Hội BV Thiên nhiên MTVN phát biểu
Chủ tịch Hội Kinh tế môi trường Lưu Đức Hải phát biểu
Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam Nguyễn Quốc Dũng phát biểu
Viện trưởng Viện nghiên cứu Quy hoạch và phát triển phát biểu Đặng Huy Đông phát biểu.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi phát biểu
Đại diện UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam -Bà Phạm Thị Hồng phát biểu