HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN NHIỆM VỤ TƯ VẤN, PHẢN BIỆN VÀ GIÁM ĐỊNH XÃ HỘI
Ngày: 08/08/2022

LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC

VÀ KỸ THUẬT VIỆT NAM 

 

Số: 733/LHH

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập-Tự do-Hạnh phúc 

 

Hà Nội, ngày 06 tháng 9 năm 2002

 

 

HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN NHIỆM VỤ

TƯ VẤN, PHẢN BIỆN VÀ GIÁM ĐỊNH XÃ HỘI

 

Tư vấn, phản biện và giám định xã hội là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp hội). Nhiệm vụ này đã được xác định rõ trong Điều lệ của Liên hiệp Hội và trong Chỉ thị số 45/CT- TƯ ngày l1/1/1998 của Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, Chỉ thị số 14-2000-CT/TTg ngày l/8/2000 của Thủ tướng chính phủ. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ lại ra Quyết định số 22/2002/QĐ-TTg ngày 30/10/2002 ''Về hoạt động tư vấn, phản biện, giám định xã hội của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam''.

Để đảm bảo các hoạt động tư vấn, phản biện, giám định xã hội (TV-PB-GĐXH) được thực hiện ngày càng rộng rãi, thuận lợi và đạt hiệu quả caoLiên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, bằng văn bản này, hướng dẫn một số điểm như sau:

I. Về mục đích, yêu cầu

1.1 Các hoạt động TV-PB-GĐXH được thực hiện dưới danh nghĩa Liên hiệp hội hoặc hội thành viên phải nhằm mục đích:

a. Giúp các ngành, các cấp, các địa phương có thêm các cơ sở, luận cứ khoa học khách quan để ra quyết định về các vấn đề cần xem xét, xử lý trong quá trình xác định, chuẩn bị, thẩm định, phê duyệt và thực hiện các đề án, các chính sách;

b. Nâng cao nhận thức của các tổ chức có đề án và các giới có liên quan về vai trò, tác dụng của khoa học, công nghệ và vai trò của các chuyên gia, cán bộ khoa học, công nghệ đối với các đề án phát triển của các ngành, các cấp, các địa phương;

c. Tăng cường sự đoàn kết, hợp tác của đội ngũ trí thức khoa học, công nghệ; nâng cao năng lực và vị thế của Liên hiệp hội và các hội thành viên trong việc giải quyết các vấn đề của thực tiễn phát triển ở các ngành, các cấp, các địa phương.

1.2. Trong khi thực hiện các hoạt động TV-PB-GĐXH cần đảm bảo các yêu cầu sau đây:

a. Có tính chuyên môn cao, thể hiện ở:

- Cách tiếp cận đúng, phương pháp nghiên cứu thích hợp, biện pháp tổ chức và cơ cấu đội ngũ thực hiện hợp lý, có chọn lọc;

- Các đề xuất, bình luận, kiến nghị có nội dung xác đáng, dựa trên các cứ liệu đã được kiểm chứng;

- Các kết quả được trình bày rõ ràng, mạch lạc, dễ hiểu, dễ tiếp nhận.

b. Có tính khách quan, trung thực, thể hiện ở:

- Việc phát hiện, phân tích, đánh giá các vấn đề, đưa ra các nhận xét, kết luận và kiến nghị phải thẳng thắn và dựa trên các luận cứ khoa học; tránh theo cảm tính, vụ lợi hoặc bị các quan hệ ngoài công việc chi phối;

- Kiên trì lập trường khoa học, đồng thời có thái độ thực sự cầu thị đối với những ý kiến khác biệt.

c. Có động cơ và thái độ xây dựng.

d. Sẵn sàng chịu trách nhiệm pháp lý về nội dung TV-PB-GĐXH.

II. Về đối tượng, mức độ và hình thức TV- PB-GĐXH

1. Đối tượng của hoạt động TV-PB-GĐXH

Trên nguyên tắc, Liên hiệp hội và các hội thành viên nỗ lực tối đa để có thể tham gia ngày càng nhiều và có hiệu quả vào việc TV-PB-GĐXH đối với các quyết định của các ngành, các cấp, các địa phương. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, hoạt động TV-PB-GĐXH cần ưu tiên tập trung vào:

a) Các chiến lược, chính sách, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước hoặc của từng ngành, từng cấp, từng địa phương (dưới đây gọi chung là chính sách);

b) Các văn bản pháp quy;

c) Các chương trình, dự án, đề án phát triển (dưới đây gọi chung là đề án).

2. Các mức TV-PB-GĐXH

Việc TV-PB-GĐXH có thể được tiến hành ở nhiều mức, từ đơn giản đến phức tạp, bao gồm:

a) Chia sẻ thông tin tham khảo về nội dung hoặc về phương pháp tiếp cận, nguồn tư liệu, nguồn chuyên gia v.v…;

b) Phân tích, đánh giá, đưa ra các ý kiến nhận xét, bình luận hoặc kiến nghị hướng nghiên cứu nhằm góp phần xây dựng, hoàn thiện hoặc bổ sung, sửa đổi từng phần hoặc toàn bộ một chính sách, đề án đang được chuẩn bị hoặc đang được thực thi;

c) Phân tích, đánh giá, nghiên cứu toàn điện và đưa ra kiến nghị cụ thể về giải pháp hoặc phương án bổ sung, sửa đổi hoặc thay thế từng phần hoặc toàn bộ một chính sách, đề án;

d) Chủ trì nghiên cứu soạn thảo toàn bộ hoặc một số phần nhất định của một chính sách hoặc đề án.

3. Hình thức thực hiện TV-PB-GĐXH

Việc TV-PB-GĐXH được thực hiện dưới các hình thức:

+ Các tổ chức thuộc các ngành, các cấp, các địa phương đặt yêu cầu cho Liên hiệp hội hoặc các hội thành viên;

+ Liên hiệp hội, các hội thành viên chủ động đề xuất thực hiện TV-PB-GĐXH với các tổ chức hữu quan.

Ngoài ra, Liên hiệp hội và các hội thành viên có thể áp dụng hình thức đấu thấu để thực hiện hoạt động TV-PB-GĐXH theo quy định chung của pháp luật.

III. Về trình tự tổ chức thực hiện TV-PB-GĐXH

1. Trong trường hợp các tổ chức thuộc các ngành, các cấp, các địa phương đặt yêu cầu TV-PB-GĐXH quá trình thực hiện được tiến hành theo trình tự dưới đây:

1.1. Làm rõ phạm vi, nội dung, kết quả phải đạt của nhiệm vụ TV-PB-GĐXH, thời hạn và các điều kiện bảo đảm.

Đại diện Liên hiệp hội hoặc hội thành viên làm việc với các tổ chức đặt yêu cầu để xác định và trên cơ sở đó thống nhất một biên bản thoả thuận hoặc một hợp đồng giữa hai bên. Nội dung chủ yếu của biên bản thoả thuận hay hợp đồng bao gồm:

- Bối cảnh của đề án;

- Mục tiêu của đề án; .

- Phạm vi của nhiệm vụ TV-PB-GĐXH;

- Các kết quả phải đạt được, các tiêu chí để đánh giá kết quả;

- Thời hạn thực hiện;

- Các thông tin sẽ được cung cấp và yêu cầu bảo mật (nếu cần thiết);

- Các điều kiện (về quan hệ, chi phí, trang thiết bị, v..v...) do tổ chức đặt yêu cầu phải bảo đảm.

1.2. Nghiên cứu sơ bộ, xác định các loại kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm cần có của tổ chức và của nhóm chuyên gia thực hiện.

1.3. Huy động và lựa chọn nhóm chuyên gia thực hiện (gồm trưởng nhóm hoặc chủ nhiệm đề án, các chuyên gia, các cán bộ giúp việc).

Trưởng nhóm chuyên gia phải đáp ứng các yêu cầu cơ bản sau:

- Có kinh nghiệm trong lĩnh vực chuyên môn liên quan;

- Có năng lực tổ chức, điều phối hoạt động của tập thể chuyên gia;

- Có thời gian để thực hiện.

1.4. Lập kế hoạch thực hiện, trong đó xác định rõ các nội dung yêu cầu nghiên cứu, trách nhiệm và nhiệm vụ của từng chuyên gia, yêu cầu về chất lượng, thời hạn, các biện pháp hỗ trợ, theo dõi tiến độ và các biện pháp dự phòng trong các trường hợp đột xuất.

1.5. Đôn đốc, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch.

1.6. Tổ chức các hội nghị, hội thảo để góp ý, bổ sung, hoàn thiện kết quả của nhóm nghiên cứu.

1.7. Thẩm định, xác nhận kết quả nghiên cứu.

1.8. Bàn giao kết quả cho tổ chức đặt yêu cầu và làm thủ tục thanh lý.

2. Trường hợp Liên hiệp hội, các hội thành viên chủ  động đề xuất  việc TV-PB-GĐXH,  quá trình thực hiện cần theo trình tự sau:

2.1. Thu thập và xử lý sơ bộ các thông tin liên quan đến đề án.

2.2. Xác định các loại vấn đề, phạm vi và nội dung công việc mà Liên hiệp hội hoặc hội thành viên thấy cần thiết và có thể tham gia TV-PB-GĐXH.

2.3. Gửi đề xuất TV-PB-GĐXH đến các tổ chức hữu quan.

Khi được các tổ chức hữu quan chấp thuận và đặt yêu cầu cụ thể, việc tổ chức thực hiện được tiến hành theo trình tự từ 1.1 đến 1.8 như nêu ở phần trên.

Trong trường hợp các tổ chức hữu quan không đặt yêu cầu nhưng lãnh đạo hội và nhiều chuyên gia của hội nhận thấy cần có sự tham gia chủ động của tổ chức hội vào các nhiệm vụ TV-PB-GĐXH, thì lãnh đạo hội soạn thảo và phê duyệt điều khoản giao việc cho nhiệm vụ TV-PB-GĐXH này, sau đó tổ chức thực hiện theo trình tự từ 1.2 đến 1.8 như trên.

3. Trường hợp góp ý kiến cho dự thảo văn bản pháp quy (luật, nghị định, quy chế...)

Về nguyên tắc, trình tự thực hiện cũng tương tự như đối với các trường hợp nêu ở điểm (1) trên đây. Tuy nhiên, trong trường hợp văn bản dự thảo không có quá nhiều vấn đề và vấn đề không quá phức tạp, có thể áp dụng trình tự dưới đây.

3.1. Nghiên cứu sơ bộ nội dung các vần đề, đối tượng điều chỉnh của các văn bản; tính toán thời gian tối thiểu cần thiết để thực hiện nhiệm vụ. Trường hợp thời gian quy định quá ít, cần làm việc và xác định lại thời gian và các điều kiện cần thiết (đặc biệt về thông tin) hoặc trả lại nếu không thoả thuận được.

3.2. Xác định các đơn vị và cá nhân chuyên gia thích hợp để giao nhiệm vụ.

3.3. Gửi dự thảo đến các chuyên gia kèm theo yêu cầu nghiên cứu và viết bản góp ý bình luận, thời gian cần nộp.

3.4. Tổ chức hội thảo về các nội dung của dự thảo văn bản.

3.5. Tổng hợp các ý kiến lập thành báo cáo hoặc khuyến nghị gửi đến các tổ chức hữu quan, trong đó cần nêu rõ:

- Danh sách các tổ chức và chuyên gia tham gia;

- Luận cứ của các ý kiến chính thức;

- Luận cứ của các ý kiến khác;

- Các vấn đề chưa đủ thông tin, điều kiện để bình luận hoặc kết luận;

- Các vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu.

Tuyệt đối tránh tình trạng giao cho một hai cán bộ hoặc chuyên gia đọc, viết ý kiến, rồi đóng dấu và coi là ý kiến chính thức của tổ chức hội.

4. Trường hợp yêu cầu TV-PB-GĐXH được giao cho đích danh một cá nhân chuyên gia hoặc một nhóm cá nhân chuyên gia là quan chức hoặc thành viên của Liên hiệp hội hoặc các hội thành viên.

Trong trường hợp này, các cá nhân tự thực hiện các nhiệm vụ được giao, tự chịu trách nhiệm pháp lý về nội dung và kết quả hoạt động của mình; các ý kiến, kết luận, báo cáo cần ghi rõ tên của từng chuyên gia cụ thể, không nhân danh và không nhất thiết phản ánh ý kiến của tổ chức hội.

IV. Xác định chi phí cho hoạt động TV'PB-GĐXH

Tính chất của hoạt động TV-PB-GĐXH của Liên hiệp hội và các hội thành viên là không vì lợi nhuận. Điều này có nghĩa là: phần chi phí cho các hoạt động này được sử dụng để trả thù lao cho các chuyên gia và trang trải cho các hoạt động tác nghiệp trực tiếp là chính. Phần tiết kiệm được (nếu có) chỉ được sử dụng vào mục đích phát triển năng lực TV-PB-GĐXH của tổ chức hội, không dùng làm quỹ để sử dụng vào các mục đích khác.

Mức chi phí cụ thể cho từng trường hợp TV-PB-GĐXH sẽ được xác định trong khuôn khổ từng đề án mà các tổ chức đặt yêu cầu nhận được theo quy định chung của Nhà nước. ở đây, Liên hiệp hội chỉ hướng dẫn các nguyên tắc chủ yếu để các tổ chức hội có căn cứ lập dự trù và thoả thuận với các bên hữu quan.

1. Cơ sở để xác định mức chi phí

+ Nội dung, khối lượng và tính chất công việc được xác định trong hợp đồng, biên bản thoả thuận hoặc điều khoản giao việc;

+ Thời gian và điều kiện làm việc của các chuyên gia ;

+ Trình độ, kinh nghiệm và uy tín của các chuyên gia và của tổ chức hội.

2. Các hạng mục chính để xác định mức chi phí:

+ Chi trả lương hoặc thù lao chuyên gia (được tính theo ngày hoặc tháng công cần thiết để thực hiện công việc);

+ Chi phí cho các hoạt động nghiên cứu, điều tra, khảo sát;

+ Chi phí đi lại, ăn ở tại hiện trường (nếu có);

+Chi phí liên lạc, in ấn, thuê máy móc, thiết bị vv...;

+ Chi phí cho các hội nghị, hội thảo;

+ Quản lý phí.

3. Phương pháp dự trù chi phí: .

+ Theo thời gian làm việc trong quá trình thực hiện;

+ Theo vụ việc với chi phí trọn gói;

+ Theo tỷ lệ phần trăm (%) của giá trị công việc.

Ngoài ra, có thể tham khảo các quy định hiện hành liên quan đến cách tính phí cho các hoạt động tư vấn, thẩm định trong đầu tư và xây dựng, hướng dẫn chế độ chi tiêu đối với các nhiệm vụ khoa học và công nghệ và định mức chi phí trả cho chuyên gia tư vấn Việt Nam của một số tổ chức quốc tế (UNDP, EC ....) ở Việt Nam.

V- Các biện pháp cần thiết để thực hiện tốt nhiệm vụ TV-PB-GĐXH

Để triển khai thực hiện rộng rãi, có nề nếp và thường xuyên nhiệm vụ TV-PB-GĐXH, Liên hiệp hội và các hội thành viên cần khẩn trương tiến hành các việc sau đây:

1. Xây dựng kế hoạch triển khai Quyết định của Thủ tướng Chính Phủ về TV-PB-GĐXH; làm việc với các UBND tỉnh, các Bộ, sở, ban ngành hữu quan để xây dựng một quy chế phối hợp trong các hoạt động này;

2. Xây dựng cơ sở dữ liệu về các chuyên gia trong và ngoài hội, phân loại theo các lĩnh vực chuyên môn và sử dụng các tiêu chí thích hợp để có thể đánh giá năng lực thực sự của từng chuyên gia trong các lĩnh vực;

3. Hoàn thiện các quy chế hoạt động của BCH, BTV và văn phòng hội cho phù hợp với yêu cầu mời, tăng cường cán bộ có năng lực để điều phối, theo dõi, tổ chức hoạt động TV-PB-GĐXH;

4. Tiến hành hội thảo, tập huấn, đào tạo, nâng cao năng lực cho các chuyên gia chủ chốt và đội ngũ cán bộ của tổ chức hội, trước mát tập trung vào các khái niệm, phương pháp, kỹ năng liên quan đến TV-PB-GĐXH cho các dự án đầu tư, các dự án phát triển;

5. Từng bước xây dựng cơ sở thông tin phục vụ cho TV-PB-GĐXH (các văn bản pháp quy các dự án quy hoạch và phát triển, một số tài liệu tham khảo chuyên ngành vv…).

VI. Về sự phối hợp giữa Liên hiệp hội và các hội thành viên trong hoạt động TV-PB-GĐXH

Để nâng cao chất lượng và hiệu quả của hoạt động TV-PB-GĐXH trong tình hình mới, cần tăng cường sự phối hợp giữa Liên hiệp hội và các hội thành viên, Cụ thể là:

1. Liên hiệp hội có nhiệm vụ:

1.1 Biên soạn và phổ biến các tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ phục vụ hoạt động TV-PB-GĐXH;

1.2. Tổ chức hệ thống thông tin trong toàn Liên hiệp hội, xây dựng cơ sở dữ liệu về các văn bản pháp quy, các chính sách, quy hoạch của cả nước và của các tỉnh, thành phố. Cung cấp các thông tin có trong cơ sở dữ liệu cho các hội thành viên khi có yêu cầu;

1.3. Xây dựng cơ sở dữ liệu về các chuyên gia trong nước (trong và ngoài hệ thống Liên hiệp hội); từng bước xây dựng cơ sở dữ liệu về các chuyên gia là người Việt ở nước ngoài; lựa chọn và giới thiệu các chuyên gia có đủ năng lực và trình độ cho các hội thành viên khi có yêu cầu;

1.4. Thực hiện các biện pháp hỗ trợ cần thiết cho các hội thành viên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ TV-PB-GĐXH như: chủ trì và tổ chức hội nghị, hội thảo, lấy ý kiến chuyên gia hữu quan, thông báo nội dung và kết quả TV-PB-GĐXH đến các tổ chức hữu quan; theo dõi sự phản hồi từ các tổ chức này, v.v.;

1.5. Hỗ trợ việc đào tạo, nâng cao năng lực TV-PB-GĐXH cho các cán bộ, chuyên gia của các hội thành viên.

1.6. Định kỳ tổ chức tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm hoạt động TV-PB-GĐXH của hệ thống Liên hiệp hội.

2. Các hội thành viên có nhiệm vụ:

2.1. Báo cáo định kỳ (6 tháng, 1 năm) về hoạt động TV-PB-GĐXH cho Liên hiệp hội;

2.2. Trong trường hợp cần có sự hỗ trợ của Liên hiệp hội, các hội thành viên phải báo cáo chi tiết về nội dung, yêu cầu, phạm vi, thời hạn thực hiện, các vấn đề, khó khăn khi thực hiện ở từng giai đoạn;

2.3. Lựa chọn và giới thiệu chuyên gia, cung cấp thông tin trong phạm vi khả năng ủa mình (khi được yêu cầu) để hỗ trợ cho công tác TV-PB-GĐXH của Liên hiệp hội và các hội thành viên khác. Các đơn vị được hỗ trợ về chuyên gia và thông tin phải trả các chi phí hỗ trợ.

Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam trân trọng đề nghị các Hội ngành trung ương và Liên hiệp hội các tỉnh, thành phố khẩn trương phổ biến và triển khai thực hiện Hướng dán này trong tổ chức mình.

Trong quá trình thực hiện nếu có những vấn đề mới nảy sinh, đề nghị kịp thời phản ánh cho Liên hiệp hội để phối hợp giải quyết.

 

TM. ĐOÀN CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG TRUNG ƯƠNG

LIÊN HIỆP KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT VIỆT NAM

CHỦ TỊCH

(Đã ký)

GS.VS Vũ Tuyên Hoàng

Vusta.vn