Các thế hệ tù chính trị Côn Đảo thời kỳ chống Mỹ đã tôn vinh “5 ngôi sao sáng của Côn Đảo” gồm: Nguyễn Đức Thuận, Phạm Quốc Sắc, Phan Trọng Bình, Nguyễn Minh và Lê Văn Một bởi ý chí đặc biệt kiên trung của các ông đối với Đảng. 5 ngôi sao sáng này đều đã được Nhà nước phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND).
Diện mạo nông thôn mới xã Phương Công (Tiền Hải).
Phạm Quốc Sắc sinh ngày 10/10/1918 tại làng Phương Trạch, nay thuộc xã Phương Công, huyện Tiền Hải. Đến tuổi trưởng thành, ông rời quê đi làm phu hỏa xa để kiếm sống và sớm tham gia hoạt động cách mạng ở Sài Gòn. Đầu năm 1945, Phạm Quốc Sắc hoạt động trong phong trào thanh niên, làm trưởng đoàn thanh niên ga xe lửa Sài Gòn. Sau Cách mạng Tháng Tám, ông tham gia quân đội và hoạt động trong ngành quân báo tại Sài Gòn - Chợ Lớn. Tháng 4/1946, bị địch bắt giam tại bót Catina và khám lớn Sài Gòn. Vì không khai thác được gì nên đến tháng 12/1947, ông được thả tự do. Sau khi ra tù, Phạm Quốc Sắc lại tiếp tục hoạt động trong ngành quân báo. Tháng 7/1948, ông được kết nạp vào Đảng. Tháng 8/1954, được cử làm Phó Ban binh vận Sài Gòn - Chợ Lớn. Cuối năm 1955, bị địch bắt và lần lượt đưa vào giam tại các nhà tù ở Chợ Lớn, Ty Đặc cảnh miền Đông, Trung tâm cải huấn Tân Hiệp (Biên Hòa). Tháng 1/1957, Phạm Quốc Sắc bị đày ra nhà tù Côn Đảo đợt đầu tiên cùng với 360 tù chính trị, mở đầu cho việc thực hiện chế độ nhà tù của Mỹ - ngụy ở Côn Đảo.
Thực hiện âm mưu phân hóa tù chính trị Côn Đảo, kẻ thù đã tiến hành khủng bố, tra tấn, gây sức ép hòng khuất phục tư tưởng chính trị bằng mọi thủ đoạn dã man, hiểm độc, đồng thời với việc lập ra lao 1 để giam giữ những “phần tử cứng đầu” không chịu ly khai Đảng Cộng sản, lao 2 nhốt những tù nhân chịu ký giấy ly khai. Đầu năm 1957, có hàng trăm tù chính trị bị đưa vào giam ở lao 1, trong đó có các đồng chí kiên trung, là hạt nhân lãnh đạo phong trào đấu tranh chống ly khai như Nguyễn Đức Thuận, Lưu Chí Hiếu, Phạm Quốc Sắc, Phan Trọng Bình...
Phong trào chống ly khai Đảng Cộng sản của tù chính trị Côn Đảo diễn ra quyết liệt và kéo dài từ năm 1957 đến năm 1964. Trong quãng thời gian đó, hàng trăm đồng chí trung kiên đã hy sinh vì các cực hình tra tấn tàn bạo của kẻ thù.
Đầu tháng 4/1960, địch đưa hơn 1.300 tù chính trị ra khỏi phòng giam, giải ra Bãi Dương, nhà hát Côn Đảo và Lò Vôi đánh đập, phơi nắng, phơi mưa suốt mấy ngày liền nhằm bắt mọi người ký giấy ly khai. Đợt khủng bố man rợ này đã khiến mấy trăm tù nhân hy sinh. Còn lại 59 chiến sĩ không chịu khuất phục đã bị tống vào Chuồng Cọp, trong đó có ông Phạm Quốc Sắc. Đến tháng 3/1961, số tù chống ly khai Đảng Cộng sản bị nhốt ở Chuồng Cọp chỉ còn lại 18 người. Do một lòng một dạ kiên trung, không chịu ký giấy ly khai nên 18 chiến sĩ này đã bị các nhục hình tra tấn ngày thêm man rợ. Sức lực của họ ngày càng kiệt quệ và lần lượt hy sinh. Đến giữa năm 1964 chỉ còn lại 5 người, gồm: Nguyễn Đức Thuận, Phạm Quốc Sắc, Phan Trọng Bình, Nguyễn Minh và Lê Văn Một. Các thế hệ tù chính trị ở Côn Đảo đã tôn vinh các ông là “5 ngôi sao sáng của Côn Đảo”.
Giữa năm 1964, sau khi chế độ gia đình trị Ngô Đình Diệm bị đảo chính, do sức ép của dư luận, chính quyền Sài Gòn đã chủ trương “phóng thích” một số tù chính trị cách mạng nhưng với điều kiện phải có người ở Sài Gòn đứng ra bảo lãnh. “5 ngôi sao sáng của Côn Đảo” đã được tổ chức bố trí sắp xếp để bảo lãnh và đưa về căn cứ Trung ương Cục.
Vào thời điểm ấy, một chiến sĩ biệt động là Trần Văn Lai quê xã Vũ Đông, thành phố Thái Bình đang hoạt động trong “vỏ bọc” Mai Hồng Quế - Năm U.Som - ông chủ thầu khoán trong dinh Độc Lập và vợ là nữ biệt động Phạm Thị Chinh (Phạm Thị Phan Chính) đang có sạp hàng vải lớn ở chợ Tân Định lại là cháu của hai ông chủ tiệm vàng Phú Xuân và Vĩnh Xuân nổi danh ở Sài Gòn đã được tổ chức giao nhiệm vụ đứng ra bảo lãnh 2 trong 5 “ngôi sao sáng” này là Phan Trọng Bình và Phạm Quốc Sắc. Bà Chinh đứng đơn bảo lãnh với danh nghĩa nhận Phạm Quốc Sắc là chú và Phan Trọng Bình là cậu. Ít lâu sau, ông Lai đã đưa hai cán bộ này từ nội thành ra khu căn cứ an toàn. Khi chính quyền Sài Gòn phát hiện thấy 2 “ngôi sao” này mất tích đã bắt giam bà Chinh. Sau mấy tháng giam cầm, mặc dù kẻ địch đã vận dụng đủ mọi cực hình tra tấn dã man nhưng vẫn không khai thác được gì ở bà nên buộc phải thả. Khi ra tù, bà Chinh bị kiệt quệ sức sống vì những đòn tra tấn, lâm bệnh lao phổi cộng với nhiều sự tổn thương nặng nề khác trên thân thể nên đã qua đời vào ngày 30/10/1964.
Sau ngày giải phóng miền Nam, đồng chí Phạm Quốc Sắc được phân công về Ban Tổ chức Trung ương làm Thường trực Tiểu ban bảo vệ Đảng Trung ương, đến năm 1979 về nghỉ hưu tại Thành phố Hồ Chí Minh và qua đời năm 1991. Đồng chí Phan Trọng Bình sau là Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa.
Trong “5 ngôi sao sáng của Côn Đảo”, ông Nguyễn Đức Thuận được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND tháng 2/2008. Ngày 26/7/2012, Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho ông Phan Trọng Bình và truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho các ông Phạm Quốc Sắc, Nguyễn Minh, Lê Văn Một.
Cho đến nay, tại thành phố Vũng Tàu và một số địa phương khác đã có đường phố mang tên Phạm Quốc Sắc. Hẳn là rồi đây, khi thành phố Thái Bình được mở rộng sẽ có một đường phố xứng tầm mang tên ông - một ngôi sao sáng của Côn Đảo, sinh ra từ đồng đất Thái Bình.
Nếu như Phạm Quốc Sắc từng được tôn vinh là một trong “5 ngôi sao sáng của Côn Đảo” thì cũng có thể xếp ông cùng với 4 nhà tình báo tài ba đồng hương thành “5 ngôi sao sáng của Thái Bình” trong làng tình báo Việt Nam, đó là: Anh hùng Nguyễn Đình Chính (1924 - 1949), quê làng Nguyễn, nay thuộc xã Nguyên Xá, huyện Đông Hưng; Thiếu tướng Vũ Ngọc Nhạ (1928 - 2002), quê làng Cọi, nay là xã Vũ Hội, huyện Vũ Thư; Anh hùng Trần Văn Lai (1920 - 2002), quê làng Đông Trì, nay thuộc xã Vũ Đông, thành phố Thái Bình và Vũ Hữu Duật (1923 - 2004), quê làng Cau, nay thuộc xã Minh Châu, huyện Đông Hưng, nhà tình báo nổi danh, từng làm việc trong Tổng nha Cảnh sát chính quyền Sài Gòn.
Từ một trong “5 ngôi sao sáng của Côn Đảo” đến “5 ngôi sao sáng của Thái Bình” trong làng tình báo Việt Nam lại càng thấy rõ thêm một điều: Người Thái Bình thành danh, ở đâu cũng có và thời nào cũng có.