Trần Trọng Kim - Nhà sáng chế của ngành nông nghiệp
Ngày: 05/01/2024
Từ một công nhân sửa chữa máy móc cho các công trình thủy lợi, bằng sự đam mê, sáng tạo, anh Trần Trọng Kim, Tổ trưởng Tổ cơ điện, Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện Tiền Hải thuộc Công ty TNHH Một thành viên khai thác công trình thủy lợi Nam Thái Bình đã nghiên cứu, sáng chế thành công nhiều sáng kiến hữu ích, làm lợi cho đơn vị hàng tỷ đồng mỗi năm. Sáng kiến “Tổ hợp máy phay bèo” của anh mới đây đã giành giải nhì tại hội thi sáng tạo khoa học, công nghệ và kỹ thuật tỉnh lần thứ X, năm 2022 - 2023.

Sản phẩm “Tổ hợp máy phay bèo” của anh Trần Trọng Kim mỗi năm làm lợi hàng tỷ đồng cho đơn vị.

Vay tiền để sáng tạo

Vốn có sẵn niềm đam mê về cơ khí chế tạo máy, năm 2021 sau nhiều năm công tác, chứng kiến lượng bèo bồng ùn ứ tại các hệ thống sông trục dẫn nước làm ảnh hưởng đến dòng chảy của nhiều dòng sông, anh Trần Trọng Kim luôn trăn trở làm sao phải chế tạo được máy thu gom bèo bồng để khơi thông dòng chảy, hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường.

Chia sẻ với chúng tôi, anh Kim cho biết: Bèo bồng sinh trưởng phát triển rất nhanh, nếu không thu gom kịp thời bèo sẽ ken đặc vào nhau thành các mảng lớn trên các dòng sông dẫn đến ách tắc dòng chảy, khó khăn cho việc tiêu thoát nước. Chưa kể mỗi lần vào vụ tưới, tiêu phục vụ sản xuất, việc thu gom bèo cũng rất vất vả, mất nhiều thời gian và chi phí cao. Trung bình mỗi năm, Công ty phải bỏ ra từ 800 triệu đến 1,3 tỷ đồng để thuê nhân công lao động vớt bèo. Từ thực tế đó, tôi đã cùng với anh em tại Xí nghiệp quyết tâm sáng chế máy phay, vớt bèo trên thuyền bằng hệ thống thủy lực để khơi thông dòng chảy.

Tuy nhiên, khi bắt tay vào sáng chế, khó khăn lớn nhất đối với anh Kim là vấn đề kinh phí. Theo anh, để mua sắm các thiết bị, máy móc mới cần số tiền từ 600 - 700 triệu đồng. Song, với một công nhân có thâm niên trong nghề, anh Kim đã tìm tòi mua các thiết bị đã qua sử dụng nghiên cứu, sáng chế nhằm giảm bớt chi phí. Để có tiền mua thiết bị, ngoài số tiền tích góp của gia đình, anh đã vay mượn bạn bè, người thân, nhờ Công đoàn ngành nông nghiệp hoàn thiện thủ tục ngân hàng cho anh vay 50 triệu đồng. Với số tiền 300 triệu đồng, sau 2 năm nghiên cứu, sản phẩm của anh đã hoàn thành và đưa vào sử dụng.

“Tổ hợp máy phay bèo” được thiết kế nhỏ gọn có thể len lỏi vào các dòng sông nhỏ.

Sáng kiến hữu ích cho ngành nông nghiệp

Đầu tháng 11/2023, có dịp chứng kiến “đứa con cưng” của anh len lỏi trên các con sông phay nhỏ từng mảng bèo hàng trăm mét chỉ mất vài phút, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng vì sự tiện ích của sản phẩm.

Chia sẻ về tính năng của sản phẩm, anh Kim cho biết: Sản phẩm là tổ hợp máy được chế tạo đặt vận hành trên thuyền, từng công đoạn như chém nhỏ bèo sau đó băng tải sẽ vớt bèo vụn lên trên dẫn vào khoang chứa. Với hệ thống thủy lực, bèo được ép thành từng mảng sau đó dùng cẩu chuyển lên bờ làm phân vi sinh bón cho cây trồng. So với các sản phẩm bán trên thị trường, sản phẩm máy phay bèo có tính năng ưu việt là tổ hợp xâu chuỗi từ khâu chém và thu ép, xử lý không gây ô nhiễm môi trường. Nếu so với việc vớt thủ công, hiệu quả gấp vài trăm lần, qua đó làm lợi cho đơn vị khoảng 100 triệu đồng mỗi tháng. Hữu ích hơn là làm sạch dòng kênh, không gây ách tắc dòng chảy, nâng cao hiệu quả tưới, tiêu và phòng, chống lụt bão.

Để hoàn thành sản phẩm anh Trần Trọng Kim tự nghiên cứu, sáng chế một số thiết bị góp phần giảm chi phí.

Nhận xét về sáng kiến của anh Trần Trọng Kim, ông Nguyễn Hồng Hiếu, Chủ tịch Công đoàn ngành nông nghiệp chia sẻ: Trong quá trình công tác, ngoài sáng kiến “Tổ hợp máy phay bèo” đoàn viên công đoàn Trần Trọng Kim đã có nhiều sáng kiến hữu ích phục vụ cho đơn vị và ngành nông nghiệp giá trị lên đến hàng tỷ đồng. Điều này thể hiện sự tìm tòi, học hỏi, sáng tạo trong lao động sản xuất, góp phần giảm chi phí, giảm nhân công, qua đó nâng cao đời sống cho người lao động trong Xí nghiệp.

Hiện tại, sáng kiến của anh đang được Xí nghiệp và Công ty áp dụng để triển khai trong việc xử lý bèo bồng. Mong muốn của anh thời gian tới sẽ hoàn thiện sản phẩm, nâng cao tính năng để nhân rộng phục vụ ngành nông nghiệp và người dân.

“Sản phẩm dù đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng nhưng một số thiết bị, máy móc vẫn sử dụng lại nên đôi lúc gặp trục trặc khi đang vận hành. Tôi mong muốn phía Công ty, Xí nghiệp hỗ trợ thêm kinh phí để sản phẩm được đồng bộ và vận hành tối ưu nhất” - anh Kim chia sẻ.