Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Đình Cự sinh ngày 15/2/1936 trong một gia đình giàu truyền thống hiếu học tại xã Đông Xuân (Đông Hưng). Ông vừa là một nhà khoa học vừa là một chính khách nổi danh. Ngoài giảng dạy và nghiên cứu khoa học, Vũ Đình Cự còn kinh qua các cương vị: Phó Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam kiêm Viện trưởng Viện Công nghệ quốc gia; Phó Trưởng ban Khoa giáo Trung ương; đại biểu Quốc hội khóa VII, VIII, IX, X; Ủy viên Thường vụ Quốc hội khóa IX, X; Phó Chủ tịch Quốc hội khóa X; Ủy viên Trung ương Đảng khóa VII, VIII; Chủ tịch Ủy ban Hòa bình Việt Nam; Phó Chủ tịch Hội đồng Hòa bình thế giới…
Nhà lưu niệm Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Đình Cự do địa phương và gia đình xây dựng tại quê nhà. Ảnh tư liệu
Thuở nhỏ, Vũ Đình Cự nổi tiếng thông minh, ham học. Năm 1951, ông học dự bị đại học ở Thanh Hóa. Từ năm 1954 - 1956, theo học ngành Vật lý khóa đầu tiên ở Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Giữa năm 1956, tốt nghiệp đại học và trở thành một trong những giáo viên vật lý đầu tiên của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Năm 1962, ông được cử sang Liên Xô làm nghiên cứu sinh về Vật lý chất rắn tại Đại học Tổng hợp Quốc gia Moskva mang tên M.V.Lomonosov. Từ năm 1962 - 1967, bảo vệ thành công luận án Phó Tiến sĩ và Tiến sĩ, trở thành người Việt Nam đầu tiên nhận bằng Tiến sĩ khoa học. Sau đó ông trở về xây dựng bộ môn Vật lý chất rắn, Đại học Bách khoa Hà Nội. Năm 1980 được công nhận học hàm Giáo sư.
Trải hơn 50 năm hoạt động, Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Đình Cự vừa là một nhà khoa học vừa là một chính khách nổi danh. Ông đã được giới khoa học trong nước và nước ngoài nể trọng với các công trình nghiên cứu hiệu ứng ganva - từ trong sắt từ và lớp nano sắt từ; lý thuyết chuyển pha loại hai; công nghệ bán dẫn vi điện tử; kỹ thuật nhiệt đới. Đã công bố trên 120 bài nghiên cứu khoa học. Trong những năm chống Mỹ, ông được giao phụ trách tổ đặc nhiệm nghiên cứu phá thủy lôi. Thực hiện chương trình trọng điểm cấp nhà nước. Chủ biên và viết riêng 15 cuốn sách chuyên khảo và sách giáo trình phục vụ nghiên cứu và học tập ở nhiều trường đại học.
Trên mọi cương vị, Vũ Đình Cự luôn miệt mài làm việc, đến mức quên cả chuyện lập gia đình. Khi về hưu, ông vẫn cùng đồng nghiệp biên soạn nhiều cuốn sách. Do có nhiều công lao trong nghiên cứu khoa học và thành tích hoạt động cách mạng, Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Đình Cự đã được tặng thưởng giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ (công trình tập thể), Huân chương Lao động hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến hạng Nhì; Huân chương Chiến công hạng Nhì, Huân chương Độc lập hạng Nhất.
Khi Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Đình Cự qua đời, Đảng và Nhà nước đã tổ chức lễ tang cấp Nhà nước. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng xúc động ghi sổ tang: “Vô cùng thương tiếc đồng chí Vũ Đình Cự, người chiến sĩ cách mạng kiên trung, người con ưu tú của dân tộc, nhà khoa học tài năng đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp cách mạng xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta”. Trong lời điếu, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã nhấn mạnh: Trong suốt cuộc đời cống hiến và phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Đình Cự luôn nêu cao tinh thần tận tụy, trung thành với cách mạng, Tổ quốc và nhân dân. Dù ở bất kỳ cương vị công tác nào, ông cũng luôn tích cực hoạt động và luôn thể hiện là một chiến sĩ cách mạng kiên trung, một nhà trí thức kiên định tư tưởng đi theo con đường cách mạng do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, phấn đấu theo tấm gương của Bác Hồ vĩ đại.
Là người bạn đồng nghiệp đã cộng tác và gắn bó thân thiết với nhau trong hơn nửa thế kỷ, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Chánh đã viết bài đăng trang trọng trên Báo Nhân Dân và luận định: “Trong đời thường, anh sống vui vẻ hòa đồng, đạm bạc trong căn nhà tập thể đơn sơ gần Đại học Bách khoa. Hiếm có một nhà khoa học, nguyên là một lãnh đạo cấp cao lại tự mình may quần âu và áo budong để mặc, tự mình đi chợ nấu ăn, dành dụm tiền tiết kiệm để về xây dựng quê hương. Anh giản dị là thế, chất phác, gần gũi. Anh ra đi khi nhiều dự định khoa học còn đang dang dở”.
Những giá trị trong di sản của nhà khoa học, nhà chính trị, tấm gương sống và làm việc của Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Đình Cự rất cần được khai thác và phát huy. Một đường phố, một trường học, một giải thưởng khoa học… ở Thái Bình mang tên Vũ Đình Cự sẽ là cách tôn vinh thiết thực nhất với một người con ưu tú của Thái Bình.