Phục tráng gà Tò
Ngày: 26/10/2022
Gà Tò là giống gà nuôi có xuất xứ từ làng Tò, nay thuộc xã An Mỹ (Quỳnh Phụ). Tương truyền, gà Tò là một trong những sản vật quý dùng để tiến vua bởi chất lượng thịt thơm ngon đặc biệt. Theo thời gian, gà Tò đã giảm cả về số lượng, độ nguyên chủng. Đây cũng là trăn trở của người dân, chính quyền và cả các nhà quản lý trong việc phục tráng, phát triển giống gà quý hiếm này.

Gia đình ông Nguyễn Văn Tuyên hiện có số lượng gà Tò nhiều nhất xã An Mỹ (Quỳnh Phụ).

Gia đình ông Nguyễn Văn Tuyên, thôn Tô Hải hiện là hộ có số lượng gà Tò nhiều nhất xã An Mỹ. Ông cũng chính là người đã dày công sưu tầm, nhân giống, chọn lọc giống gà này với mong muốn bảo tồn, phát triển giống gà quý của địa phương. Sau gần 8 năm bền bỉ, đến nay ông Tuyên đã có đàn gà trên 200 con, trong đó có 80 con gà sinh sản. Ông chia sẻ: Gà Tò là giống gà quý, đặc biệt chất lượng. Gà Tò nhiều thịt, thớ thịt nhỏ, thơm ngon, thịt rắn chắc nhưng lại giòn, không bị dai như những giống gà khác, da giòn, ít mỡ. Chất lượng thịt gà Tò được đánh giá thơm ngon hơn cả gà Đông Tảo, gà Hồ nhưng lại chưa tạo dựng được thương hiệu. Theo thời gian, giống gà này dần mai một. Đau đáu với sản vật địa phương nên từ năm 2014 tôi quyết định sưu tầm những con gà có đặc tính, gen trội của giống gà Tò để chọn tạo những con gà có gen thuần chủng của giống gà Tò cổ xưa. Hiện tại tôi đã có được đàn gà trên 200 con, độ thuần đạt trên 90%.

Một điểm dễ nhận biết của gà Tò chính là hàng lông chân mọc dọc từ đầu gối đến tận ngón, dày, cứng gọi là “lông quần”. Đến nay, chưa có tài liệu chính thức công bố về xuất xứ, nguồn gốc của giống gà này. Tuy nhiên, theo lời các cụ cao niên truyền lại, gà Tò có ở An Mỹ từ thế kỷ thứ XII. 

Cụ Vũ Quốc Cư, thôn Tô Hải cho biết: Cái tên gà Tò gắn với câu chuyện về vị Đức Tiên Công của làng (vốn là con rể của vua Trần) dâng tiến nhà vua giống gà quý này. Vua thấy con gà lạ, khi ăn thịt thơm và ngọt nên rất thích, lệnh ban thưởng cho làng Tò mười nghìn đấu gạo và kể từ đó người dân đã lấy tên làng đặt cho giống gà đặc biệt này. Đặc điểm của giống gà này là con to, di chuyển chậm, sinh sản thưa lứa, gà mái phần bụng thường ít lông nên khi ấp trứng bị thiếu nhiệt, chân gà có lông quần khi gặp mưa hay bị dính đất, nước nên khi ấp dễ bị hỏng trứng, tỷ lệ ấp nở thấp. Cộng với phương thức chăn thả tự do nên gà Tò bị lai tạp nhiều, nguy cơ tuyệt chủng luôn hiện hữu.

Nhằm bảo tồn giống gà quý hiếm này, năm 2020, đề tài khoa học “Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật sinh sản tiên tiến nhân giống gà Tò và xây dựng mô hình gà Tò thương phẩm theo hướng VietGAHP” do Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Trung tâm Khuyến nông thực hiện được triển khai. 

Ông Nguyễn Văn Đình, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông, chủ nhiệm đề tài cho biết: Với mục tiêu chọn lọc nhân thuần và xây dựng được đàn gà Tò hạt nhân mang đặc điểm ngoại hình đặc trưng của giống, từ đó xây dựng và phát triển các mô hình chăn nuôi gà Tò thương phẩm theo hướng VietGAHP, sau hơn 2 năm triển khai, đến nay đã chọn lọc, nuôi giữ đàn gà Tò giống hạt nhân thế hệ 1 gồm 47 con và đàn gà Tò hạt nhân thế hệ 2 gồm 82 con. Tỷ lệ đẻ, tiêu tốn thức ăn, khối lượng trứng, tỷ lệ trứng có phôi, tỷ lệ nở... đều đạt các chỉ tiêu đề ra.

Là một trong những chủ hộ tham gia mô hình của đề tài, ông Nguyễn Văn Tuyên cho biết: Từ năm 2020, khi tham gia thực hiện mô hình, gia đình tôi được hỗ trợ về giống, thức ăn, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng, xử lý môi trường chuồng nuôi... nên việc nuôi gà Tò hiện nay khá thuận lợi. Đặc biệt, để khắc phục yếu điểm của giống gà này là khả năng sinh sản và tỷ lệ ấp nở thấp, tôi đã áp dụng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo, ấp trứng bằng máy nên tỷ lệ ấp nở thành công tăng, rút ngắn thời gian nghỉ đẻ của gà mái.

Theo ông Tuyên, gà Tò thương phẩm nuôi từ 8 - 12 tháng cho chất lượng thịt ngon nhất. Với giá bán khoảng 250.000 đồng/kg, một con gà Tò nặng từ 3 - 4kg có trị giá gần 1 triệu đồng nên số lượng người mua cũng hạn chế. Cùng với thời gian nuôi lâu nên đa số người chăn nuôi chọn nuôi các giống gà khác có thời gian nuôi ngắn hơn, phục vụ tiêu dùng đại trà. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến số lượng gà Tò chưa được nhân rộng.

Đề án phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với du lịch của tỉnh giai đoạn 2022 - 2025 đề ra nhiệm vụ phát triển sản phẩm chăn nuôi phục vụ du lịch, trong đó có chăn nuôi kết hợp phục dựng giá trị văn hóa về giống gà Tò. Ngoài việc bảo tồn, nuôi giữ đàn gà có kiểu hình giống như giống gốc để xây dựng sản phẩm OCOP địa phương, đề án định hướng sử dụng gen quý từ gà Tò để lai tạo với giống gà ngoại nhập tạo dòng con lai có chất lượng, năng suất, thời gian nuôi ngắn để sản xuất đại trà phục vụ du lịch trải nghiệm qua đó góp phần nâng cao thu nhập của người dân An Mỹ nói riêng, Quỳnh Phụ nói chung theo hướng bền vững.

Gà Tò thương phẩm nuôi từ 8 đến 12 tháng cho chất lượng thịt ngon nhất.