Cây su hào có tên khoa học: Brassica caulorapa Pasq hoặc Brassica oleracea var.caulorapa, thuộc họ Thập tự (Cruciferae). Thân của cây phát triển phình to ra thành củ khí sinh, trong chứa rất nhiều chất dinh dưỡng và được dùng làm thực phẩm (rau).
1. Giống và thời vụ
* Giống:
Có 3 chủng loại giống su hào đang được trồng phổ biến tuỳ theo mùa vụ và địa phương.
- Su hào dọc tăm (su hào trứng): Củ bé, tròn, cọng lá nhỏ, phiến lá nhỏ và mỏng, do đó có thể trồng xen vào mép luống cải bắp, khoai tây. Thời gian từ trồng đến thu hoạch 35 - 50 ngày.
- Su hào dọc trung (hay su hào dọc nhỡ): Củ tròn, to, mỏng vỏ, cọng và phiến lá to hơn, dày hơn loại su hào dọc tăm. Thời gian từ trồng đến thu hoạch 65 - 80 ngày.
- Su hào dọc đại (su hào bánh xe): Củ to hơi dẹt, vỏ rất dày, cọng và phiến lá rất to, dày. Thời gian từ trồng đến thu hoạch 90 - 100 ngày.
* Thời vụ:
- Vụ sớm gieo hạt từ tháng 7 - 8, trồng tháng 8 - 9. Sử dụng những giống su hào dọc tăm, dọc trung có khả năng chịu nhiệt như B40, Winner, Boeing VA. 747, OP-Japonica VA.174, su hào Pháp tím – Violet VA.159.
- Chính vụ gieo từ tháng 9 - 10, trồng tháng 10 - 11. Sử dụng những giống su hào dọc trung, dọc đại Winner, Boeing VA. 747, OP-Japonica VA.174, su hào Pháp tím - Violet VA.159.
- Vụ muộn gieo hạt tháng 11 trồng tháng 12. Sử dụng những giống su hào dọc trung, dọc đại Winner, Boeing VA. 747, OP-Japonica VA.174, su hào Pháp tím - Violet VA.159.
2. Vườn ươm
Chọn nơi đất cao, dễ thoát nước, đất thịt nhẹ hoặc cát pha để gieo hạt. Làm đất nhỏ tơi xốp, lên luống cao 0,3m, rãnh rộng 0,3m, mặt luống rộng 0,9 - 1m. Bón lót bằng phân chuồng mục từ 15 – 20 tấn/ha.
Hiện nay, giá hạt giống su hào cao nếu gieo rải hạt trên mặt luống thì vừa tốn giống mà độ đồng đều của cây giống không cao. Để tăng hiệu quả, cần gieo theo hàng với mật độ hàng cách hàng 7 - 10cm, cây cách cây 5 – 7cm.
Sau khi gieo hạt, phủ một lớp trấu hoặc rơm rạ lên trên và tưới nước bằng ô doa đủ ẩm mỗi ngày 1 lần. Khi cây mọc, bóc lớp rơm rạ trên mặt luống và tưới đủ ẩm thường xuyên cho cây.
Để hạn chế thiệt hại về cây con cần làm vòm, che lưới đen, hoặc nilon ngay sau khi gieo hạt. Không dùng phân đạm để bón trong vườn ươm. Dùng phân lân hoặc nước giải pha loãng để tưới thúc cho cây.
Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, nếu phát hiện sâu bệnh hại cần sử dụng thuốc trừ sâu, trừ bệnh trong danh mục được phép sử dụng để phun phòng trừ. Trước khi nhổ cây con mang đi trồng cần tưới đủ ẩm để hạn chế đứt rễ.
3. Làm đất, trồng cây
Chọn chân đất cao, dễ thoát nước, đất thịt nhẹ, được luân canh với các cây khác họ. Cày bừa kỹ, đập nhỏ đất, lên luống cao 0,3m, rãnh rộng 0,3m, mặt luống rộng 0,8 - 0,9m. Bón phân lót trộn đều với đất, san phẳng mặt luống sau đó tiến hành trồng.
Khoảng cách trồng: cây cách cây 30cm, hàng cách hàng 40cm, đảm bảo mật độ là 5,5 - 7,5 vạn cây/ha. Tưới nước đủ ẩm mỗi ngày 1 lần; sau khi cây hồi xanh tưới 2 - 3 ngày 1 lần.
4. Phân bón
Lượng phân và loại phân:
Loại phân
|
Tổng lượng phân bón
|
Bón lót (%)
|
Bón thúc (%)
|
Kg/ha
|
Kg/sào
|
Lần 1
|
Lần 2
|
Lần 3
|
Phân chuồng
ủ mục hoặc phân vi sinh
|
20.000 - 25.000 (550 - 700)
|
700 - 900 (20 - 25)
|
100
|
-
|
-
|
-
|
Đạm urê
|
300 - 350
|
11 - 13
|
30
|
15
|
25
|
30
|
Lân super
|
550 - 700
|
20 - 25
|
100
|
-
|
-
|
-
|
Kaliclorua
|
300 - 350
|
11 - 13
|
50
|
10
|
20
|
20
|
Thời điểm bón và cách bón:
- Bón lót: Khi làm đất, dùng toàn bộ số phân chuồng hoai mục (không dùng phân tươi, nước phân tươi để bón) hoặc phân hữu cơ vi sinh.
- Bón thúc: Kết hợp với tưới nước.
+ Lần 1: Khi cây hồi xanh (sau trồng 7 - 10 ngày).
+ Lần 2: Sau trồng 25 -35 ngày.
+ Lần 3: Sau trồng 35 - 50 ngày.
Có thể dùng phân bón lá phun đều cho cây vào 3 đợt nằm trong khoảng giữa thời gian bón phân trên.
5. Tưới nước, chăm sóc
Cần tưới đủ ẩm mỗi ngày 1 lần, khi cây hồi xanh 2 - 3 ngày tưới 1 lần. Có thể tưới tràn vào rãnh cho cây, khi đủ ẩm phải tháo hết nước ngay. Nên kết hợp việc tưới nước với các lần bón thúc phân vô cơ. Cần xới xáo, vun gốc được 2 - 3 lần. Thường xuyên nhặt sạch cỏ dại, loại bỏ lá vàng, lá sâu bệnh.
6. Phòng trừ sâu bệnh
Cần áp dụng các biện pháp phòng trừ tổng hợp cho cây. Thường xuyên phát hiện sâu bệnh và phòng trừ kịp thời. Một số sâu bệnh thường gặp trên cây Su hào:
Sâu xám: Gây hại giai đoạn cây con bằng cách cắn đứt thân, cành non kéo xuống đất để ăn. Thường phát sinh trên chân đất thịt nhẹ, cát pha tơi xốp.
- Biện pháp phòng trừ:
+ Vệ sinh đồng ruộng, làm sạch cỏ dại, cày ải phơi đất 2 tuần trước khi trồng.
+ Sử dụng các loại thuốc như Prevathon hạt, Basudin 10H, Diazan... để xử lý đất trước khi gieo trồng.
+ Dùng bẫy chua ngọt để bẫy trưởng thành (4 phần đường đen + 4 phần dấm + 1 phần rượu + 1 phần nước + 1% thuốc)
Sâu tơ: Gây hại trong suốt quá trình sinh trưởng của cây.
- Biện pháp phòng trừ:
+ Phun cho cây con trước khi đưa ra trồng 1 - 2 ngày.
+ Tưới phun vào buổi chiều tối để rửa bớt trứng, sâu non và hạn chế bướm giao phối và đẻ trứng.
+ Sử dụng các loại thuốc có trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng để phòng trừ.
Đảm bảo thời gian cách ly trước thu hoạch 10 - 15 ngày hoặc theo đúng hướng dẫn của ngành chuyên môn.
7. Thu hoạch
Căn cứ vào thời gian sinh trưởng của từng giống, từng vụ và thấy mặt củ đã bằng, lá non dừng sinh trưởng thì thu hoạch; kéo dài thêm sẽ già, nhiều xơ, giảm phẩm chất.