Nếp Tam Xuân tương truyền có từ thế kỷ XIII là giống lúa truyền thống ở phủ Phụ Dực (nay là huyện Quỳnh Phụ). Tam Xuân có nghĩa là ba năm vẫn còn thơm, ý chỉ chất lượng, mùi thơm của gạo Tam Xuân hiếm có giống nếp nào sánh được. Nếp Tam Xuân có chất lượng gạo thơm, ngon nhưng đòi hỏi thổ nhưỡng và thời vụ canh tác phù hợp. Chính vì vậy, cũng giống lúa ấy nhưng mang đi các vùng khác gieo cấy tuy cho năng suất tương đương nhưng chất lượng gạo không ngon như được cấy tại Quỳnh Phụ. Khi nấu xôi dẻo, dai, vị đậm và mùi thơm đặc trưng, để lâu không bị cứng.
HƯỚNG DẪN KỸ THUẬT GIEO TRỒNG
1. Đặc điểm giống: Nếp Tam Xuân là giống cảm quang, cây cao, dễ bị đổ ngã do vậy cần chọn chân đất cao, chủ động tưới tiêu để điều tiết nước hợp lý. Thích hợp với chân đất thịt trung bình đến cát pha, không thích hợp chân đất trũng hẩu. Chỉ được gieo cấy trong điều kiện vụ Mùa, giống có thời gian sinh trưởng 135 - 140 ngày, cây cao 135 - 150 cm, khả năng chống chịu sâu bệnh khá, năng suất đạt 45 - 50 tạ/ha.
2. Thời vụ gieo cấy
Gieo mạ dược: Từ 10 - 30/6, tốt nhất từ 15 - 25/6;
Thời vụ cấy: Từ 01 - 20/7, tốt nhất từ 05 - 15/7.
3. Mật độ và kỹ thuật gieo cấy
Trước khi ngâm mạ, hạt giống được phơi dưới nắng nhẹ để diệt nấm bệnh, trên vỏ hạt và giúp hạt hút nước nhanh kích thích hạt nẩy mầm đều. Lượng giống cần cho 1 sào từ 1,5 - 2,0 kg.
Khoảng cách cấy hàng cách hàng 25 - 30 cm; khóm cách khóm 20 - 25 cm; mật độ từ 18 - 25 khóm/m2.
4. Phân bón và cách bón phân
- Phân bón: Lượng phân bón cho 1sào: 200 - 250 kg phân chuồng hoặc 20 - 50 kg phân hữu cơ vi sinh + 10 - 12 kg NPK 16:16:8+TE và 3 - 4 kg Kali.
- Cách bón:
+ Bón lót: Toàn bộ phân chuồng hoặc phân hữu cơ vi sinh + 50%NPK 16:16:8+TE.
+ Bón thúc:
Lần 1: Bón thúc đẻ nhánh khi cây bén rễ hồi xanh (sau cấy 3 - 7 ngày) bón 50%NPK 16:16:8+TE còn lại.
Lần 2: Bón đón đòng khi cây lúa đứng cái làm đòng bón 3 - 4 kg Kali giúp cây lúa cứng cây chống đổ tốt.
5. Chăm sóc, phòng trừ cỏ dại và sâu bệnh
Nếp Tam Xuân là giống lúa cao cây, dễ đổ do vậy việc điều tiết nước góp phần quan trọng trong việc chống đổ của cây.
Tưới nước theo nguyên tắc “nông – lộ - phơi” nghĩa là sau cấy cần giữ lớp nước nông mặt ruộng giúp lúa nhanh bén rễ hồi xanh, đẻ nhánh sớm, hạn chế ảnh hưởng của thời tiết nắng nóng; khi lúa kết thúc đẻ nhánh hữu hiệu cần rút nước phơi ruộng đến nứt nẻ chân chim, rễ ăn sâu chống đổ tốt thì cho nước vào để lúa làm đòng; giai đoạn lúa chắc xanh rút nước để khô ruộng. Phòng trừ sâu bệnh
Thường xuyên theo dõi, kiểm tra đồng ruộng để phát hiện phòng trừ sâu, bệnh kịp thời theo hướng dẫn của ngành bảo vệ thực vật: Do lúa nếp Tam Xuân có thời gian sinh trưởng dài hơn các giống lúa khác nên thường bị sâu đục thân cuối vụ dồn mật độ và gây hại cần chủ động phòng trừ.
6. Thu hoạch và bảo quản
Khi lúa chín đạt 90 - 95% thì tiến hành thu hoạch, sau khi thu hoạch xong cần phơi ngay tránh lúa bị vào hơi giảm mùi thơm và chất lượng gạo. Không phơi quá mỏng làm thóc khô quá nhanh khi xát gạo bị gẫy, tốt nhất là sử dụng phương pháp sấy.
Để bảo quản tốt cần phơi về độ ẩm 14 - 15%, bảo quản lúa nếp Tam Xuân nơi khô ráo tránh tiếp xúc với không khí làm giảm chất lượng.