Hội Đông y Thái Bình với công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân
Ngày: 03/08/2022
Hội đông y tỉnh là tổ chức xã hội nghề nghiệp có đủ 4 cấp từ trung ương đến cơ sở xã phường. Trong hơn 40 năm qua, Hội đông y Thái Bình đã kế thừa và phát triển một cách cơ bản cả về lý luận và thực tiễn, cả kinh điển và các phương pháp chữa bệnh dân gian góp phần cùng ngành y tế chăm sóc và bảo vệ tốt sức khoẻ nhân dân tỉnh nhà.

Với đặc thù là hội nghề nghiệp, các hội viên hoạt động hoàn toàn tự nguyện, nhưng kể từ khi thành lập đến nay, Hội Đông y Thái Bình đã luôn làm tốt công tác phát triển, củng cố mạng lưới tổ chức từ tỉnh xuống các chi hội cơ sở, đáp ứng nhu cầu chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân. Toàn tỉnh hiện có 92 chi hội, gồm 87 chi hội ở các huyện, thành phố và 5 chi hội trực thuộc với đội ngũ y, bác sỹ tận tâm, giàu nhiệt huyết, luôn hết lòng vì người bệnh.

            Trong quá trình hoạt động, Hội luôn bám sát chức năng, nhiệm vụ, chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, những quy định, Điều lệ Hội, đặc biệt là Chỉ thị số 24-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “phát triển nền Đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong tình hình mới"; Quyết định số 2166/2010 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành “kế hoạch hành động của Chính phủ về phát triển Y dược học cổ truyền Việt Nam đến năm 2020”, cùng với đội ngũ trí thức Thái Bình thực hiện tốt phong trào thi đua "Trí thức Thái Bình chung sức xây dựng nông thôn mới" do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh phát động..

Mặc dù cơ sở vật chất của Hội còn gặp nhiều khó khăn nhưng với tinh thần "lương y như từ mẫu", đội ngũ cán bộ, nhân viên, y, bác sỹ của Hội đã không ngừng làm tốt công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.  Toàn tỉnh hiện có 17 phòng chẩn trị và 265 cá nhân có cơ sở hành nghề trực tiếp phục vụ công tác tư vấn, khám và điều trị bệnh cho nhân dân. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2012, số bệnh nhân đến khám, điều trị bằng phương pháp y học cổ truyền tại các cơ sở trong toàn tỉnh là 570.000 lượt người; trong đó, 20.000 bệnh nhân dùng phương pháp châm cứu, xoa bóp. 6.500 bệnh nhân được khám, chữa bệnh miễn phí; trong đó có 950 bệnh nhân già cả neo đơn, gia đình chính sách. Trong suốt quá trình khám và điều trị bệnh đều không để xảy ra tai biến.

 Việc kế thừa, phát huy và bảo tồn di sản đông y dân tộc luôn được hội chú trọng. Hội thường xuyên động viên các lương y giỏi cống hiến, tập hợp, phân loại các bài thuốc hay, thuốc quý. Nhiều cơ sở hội đã tiến hành thu thập, đánh giá các bài thuốc, các phương pháp chữa bệnh hay, có kết quả cao như Hội đông y Thái Thuỵ đã tập hợp được trên 500 bài thuốc; chi hội đông y Bệnh viện y học cổ truyền đã tập hợp hơn 300 bài thuốc của đồng bào Tây Ninh (Trung Quốc) cho in thành sách lưu hành trong tỉnh; huyện Quỳnh Phụ cũng sưu tập được trên 100 bài thuốc quý từ dân gian để phổ biến cho hội viên. Công tác dịch thuật đã biên soạn được nhiều tài liệu Hán nôm tập hợp các bài thuốc quý, tổ chức phân loại đánh giá và in ấn thành hàng ngàn đầu sách phổ cập cho cộng đồng. Một số chi hội đã kết hợp giữa kế thừa với nghiên cứu khoa học nhằm mục đích đánh giá kết quả lâm sàng các bài thuốc đông y. Đến nay, toàn tỉnh có 2 đề tài nghiên cứu về đông y cấp bộ, 5 đề tài cấp tỉnh, 7 đề tài cấp ngành và 60 đề tài cấp cơ sở. Nhiều đề tài đang được ứng dụng rộng rãi góp phần đáng kể vào việc nâng cao chất lượng thuốc, cải tiến mẫu mã phù hợp với yêu cầu của thời kỳ mới. Một số chi hội đã triển khai ứng dụng tiến bộ khoa học vào khám và điều trị bệnh như: Quang châm lase, quang châm bán dẫn, lase trị liệu…Điển hình là Chi hội Bệnh viện y học cổ truyền, bộ môn đông y Trường đại học y, khoa đông y Bệnh viện đa khoa tỉnh.

Bên cạnh đó, các cấp hội luôn chủ  động phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế xây dựng kế hoạch, phương án tăng cường phòng chống dịch bệnh và chuẩn bị mọi lực lượng dập dịch khi có dịch bệnh xảy ra; đồng thời hướng dẫn nhân dân làm tốt công tác vệ sinh môi trường phòng, chống dịch bệnh, trồng và sử dụng cây thuốc nam để điều trị một số bệnh thông thường;

Ngoài thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn, Hội còn thường xuyên phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Thái Bình, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh; Hội Tâm năng dưỡng sinh, Hội tiểu đường tổ chức các hoạt động tuyên truyền khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức phát động phong trào thi đua "Trí thức Thái Bình chung sức xây dựng nông thôn mới" trong toàn thể đội ngũ cán bộ, nhân viên, hội viên của Hội; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao như: dâng hương nhân kỷ niệm Ngày sinh của các Danh y Việt Nam (Hải Thượng Lãn Ông, Tuệ Tĩnh…); tổ chức cho học viên học tập 9 điều Y huấn cách ngôn của Hải thượng Lãn Ông, 10 điều quy định về hành nghề y dược tư nhân và học tập lời huấn thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Lương y như từ mẫu”

BBT